.

Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Cập nhật: 09:51, 22/11/2024 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tham gia thảo luận góp ý đối với dự án Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Góp ý quy định liên quan đến thu nhập phải nộp thuế (thu nhập chịu thuế), đại biểu đề nghị cân nhắc tính phù hợp của nội dung quy định tại khoản 2 Điều 2 để lựa chọn phương án quy định nội dung này tại Điều 2 (quy định về người nộp thuế) hoặc tại Điều 3 (quy định về thu nhập chịu thuế).

Ngoài ra, đối với việc nộp thuế TNDN của các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên nền tảng số, dự thảo Luật không quy định cụ thể và giao Chính phủ quy định. Dự thảo Nghị định chưa quy định các nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ về định hướng quản lý thu thuế đối với các đối tượng này.

Về thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và trên nền tảng số, đại biểu Hùng cho biết theo Báo cáo thuyết minh Dự án Luật, thực tiễn phát triển của các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại Luật hiện hành và các Hiệp định thuế (căn cứ trên hiện diện vật lý), chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú “ảo” - không có hiện diện vật lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành tại khoản 2 Điều 2 về người nộp thuế, theo đó, vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự thảo Luật. Từ đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ về vấn đề này.

Về thu nhập chịu thuế (Điều 3), đại biểu Hùng nêu khoản 2 Điều 3 bổ sung các nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới luật để quy định chi tiết các khoản thu nhập khác. Đại biểu cho biết nhất trí với việc luật hóa các nội dung liên quan đến thu nhập khác đã được quy định tại các văn bản dưới luật để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch của Luật. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc rà soát để quy định đầy đủ các khoản thu nhập khác, không quy định nội dung “các khoản thu nhập khác do Chính phủ quy định”.

          Về thu nhập của các doanh nghiệp nước ngoài, đối với thu nhập từ chuyển nhượng các dự án đầu tư,... quyền thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh; đại biểu đề nghị làm rõ quy định “không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh”, trong khi về bản chất, đây phải là các nguồn thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng vốn, tài sản có nguồn gốc tại Việt Nam.

          Về thu nhập được miễn thuế (Điều 4), dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng mở rộng diện các khoản thu nhập được miễn thuế so với quy định hiện hành; đại biểu Hùng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế đồng thời, cần quy định chặt chẽ để tránh các trường hợp lợi dụng quy định để kê khai làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, gây thất thu cho NSNN.

Về thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (khoản 2 Điều 10), đại biểu Hùng cho rằng, dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất không giới hạn về thời gian đối với các doanh nghiệp có tổng mức doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng, không áp dụng ưu đãi đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở đề xuất các nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đề nghị làm rõ căn cứ để xác định các mức ngưỡng doanh thu (không quá 3 tỷ đồng và không quá 50 tỷ đồng) để xác định phạm vi các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng thuế suất ưu đãi.

Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng khác của dự án Luật.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

.
.
.