Những ký ức không thể phai mờ
Chiến dịch Bình Giã đã lùi xa 60 năm, nhưng những trận đánh oai hùng tạo nên bước ngoặt lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức người lính năm xưa, cùng niềm tự hào không thể mờ phai.
Cựu chiến binh địa phương thăm lại chiến trường xưa. |
Âm vang tiếng kèn xung trận
Nhớ về sự khốc liệt của trận Bình Giã cách đây 60 năm, Trung tá Lê Minh Việt (Sáu Việt), nguyên chính trị viên Đại đội 445, cho biết, ấp chiến lược Bình Giã là điểm mà Đại đội 445 đột phá tấn công.
Trung tá Lê Minh Việt kể: Sau những trận “khêu ngòi” của Đại đội 444 và 445 vào ấp Bình Giã, khi gặp nhau tại căn cứ, ông Trần Đông Hưng (Vũ Ba), Trưởng Ban Tác chiến Bộ Chỉ huy Miền hỏi tôi: “Đánh vô ấp chiến lược Bình Giã, Đại đội 445 trụ được mấy ngày?”. “Để chúng tôi quyết tử đến người cuối cùng thì trụ được 3 ngày” - Trung tá Việt trả lời. “7 ngày được không? - ông Trần Đông Hưng hỏi tiếp. “Chúng tôi quyết tử chiến thôi, không còn cách nào hơn”, Trung tá Việt quyết tâm”. Sau đó, Đại đội 445 được chi viện 2 khẩu DKZ để tiến đánh Bình Giã và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhớ về trận Bình Giã, Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên chiến sĩ trinh sát Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Đoàn Q761, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam kể: “Lúc quân ta đánh vào Bình Giã, lực lượng dân vệ, địa phương quân của địch tháo chạy tán loạn. Địch đổ quân xuống sở cao su ở Đức Thạnh để ứng cứu, liền bị quân ta phục kích tiêu diệt, bắn rơi hơn 20 chiếc trực thăng.
Đại tướng Lê Văn Dũng |
Đại tướng Lê Văn Dũng kể: “Buổi chiều có mấy chiếc trực thăng quần thảo bay khảo sát khu vực vừa xảy trận chiến, trong số đó có chiếc chở cố vấn quân sự của địch. Súng cao xạ của quân ta quét trúng. khiến nó rơi xuống Xuân Sơn. Phán đoán địch sẽ đổ quân xuống Xuân Sơn để ứng cứu nên quân ta bố trí mai phục. Ngày hôm sau, địch đổ Tiểu đoàn 4 lính thủy đánh bộ xuống liền bị quân ta phục kích tiêu diệt”.
Dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến công Bình Giã, Trung úy Lê Tranh (Năm Tranh), nguyên Đội trưởng Đội trinh sát, Đại đội 445, cho biết, bao quanh Bình Giã là rừng rậm um tùm. Ông dẫn đường cho 2 trung đội của chủ lực Miền từ mé rừng nhào ra đánh từ làng 3 qua làng 1.
Trung úy Lê Tranh |
“Lúc này, pháo từ Đất Đỏ, Vũng Tàu bắn mù mịt, trực thăng đổ quân xuống liên tục. Trên trời trực thăng bay từng đàn như chim, qua mấy trận địa phòng không rất lớn khiến tôi có chút nao núng. Nhưng tôi quyết tâm dẫn đường chính xác cho bộ đội chủ lực”, Trung úy Lê Tranh nói.
Nguyên chiến sĩ trinh sát Đại đội 445 Hồ Văn Đặng, cho biết, quân ta tiến đánh tiêu diệt và bắt sống gần hết số lính tại Bình Giã. Lúc này, đại đội biệt động quân của địch được điều tới tiếp viện.
“Đơn vị tôi trụ ở làng 1 tiêu diệt một bộ phận địch xong rút lui. Lúc này, tiếp viện của địch từ Bà Rịa xuống, trực thăng của địch đổ quân xuống và gài lựu đạn sẵn. Bộ đội đánh bộc phá rồi tiến công thì trúng lựu đạn khiến 6 chiến sĩ của Tiểu đội 1, Trung đoàn 761 bị thương”, ông Hồ Văn Đặng chùng giọng.
Hồi ức về những năm tháng hoa lửa, ông Huỳnh Văn Lợi, nguyên chiến sĩ bộ binh Đại đội 445 hào sảng kể: Cuối năm 1964, ông cùng đồng đội tham gia những trận đánh của bộ đội tỉnh vào ấp Bình Giã để thăm dò và nhử địch. Tiếng kèn hiệu lệnh rền vang trong tiếng hô xung phong dội trời, báo hiệu những đợt tiến công của Đại đội 445 trở thành nỗi ám ảnh khiến kẻ địch khiếp sợ.
Ông Huỳnh Văn Lợi |
Theo ông Huỳnh Văn Lợi, trước lúc tiến công Bình Giã, chiến sĩ được lên sa bàn học tập với quán triệt đánh vào ấp giành địa bàn và lấy tân binh bổ sung cho lực lượng. Bộ đội chủ lực Miền còn đào sẵn hơn 100 cái hố làm nơi chôn cất với quyết tâm ra đi không sợ hy sinh. Rạng sáng 2/12/1964, tiếng kèn báo hiệu xung trận của Đại đội 445 rền vang từng hồi, phát tín hiệu cho các đơn vị cùng phối hợp tiến công. Đại đội 445 tấn công vào cổng ấp 2 thì gặp trở ngại do hầm hào, hàng rào kiên cố và địch gài lựu đạn. Địch bên trong ổ đề kháng bắn ra như vãi đạn khiến bộ đội xông lên tấn công bị thương vong.
“Bộ đội mang bộc phá bò tiếp cận và ném vào để phá hàng rào. Đội cối cũng được lệnh “dập” vào kích nổ lựu đạn ở hàng rào và đánh dạt địch ở mặt trước. Khi hàng rào bị phá, tôi ôm khẩu trung liên xả đạn diệt giặc, yểm trợ đồng đội phía sau xông lên”, ông Lợi run giọng vì xúc động.
San phẳng hàng rào, chiến sĩ Đại đội 445 ồ ạt tiến công vào ấp thì gặp quân địch bị Trung đoàn 761 đánh dạt tới. Bị bao vây và dồn vào đường cùng, địch phản kích quyết liệt. Đội cối được lệnh nã đạn dồn dập khiến địch tháo chạy tán loạn. Lúc này, Đại đội 445 và Trung đoàn 761 phối hợp truy kích, bao vây tiêu diệt địch.
Ông Lợi cho biết, lực lượng ở Bình Giã bị tiêu diệt, địch điều Tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 4 nhảy dù xuống chi viện. Lúc này, bộ đội đào hầm hào, công sự ém quân ở vị trí thuận lợi trong ấp và bắn tỉa. Địch nhảy dù xuống ở tầm gần, xuống bao nhiêu bị quân ta bắn hạ và tiêu diệt gọn.
“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi nhớ về trận chiến Bình Giã thì tiếng kèn hiệu lệnh xung trận từ sâu thẳm lại vọng về vang dội và sục sôi trong tâm trí tôi”, ông Lợi xúc động nói.
Xây dựng mái ấm tại chiến trường xưa
Tham gia chiến dịch Bình Giã, ông Phạm Thành Long, nguyên chiến sĩ trinh sát bộ đội huyện Châu Thành (cũ) cùng đồng đội làm nhiệm vụ canh gác, gài “trái”, chặn đánh bộ binh định tiếp viện trên lộ 2, hướng từ ngã ba Long Xuyên (Hòa Long) lên tới Núi Đất (QL56). Phát hiện địch chạy 1 chiếc bù lu tới ngã ba Long Xuyên để do thám, đơn vị của ông phối hợp với lực lượng địa phương bao vây tiêu diệt gọn. Trên tuyến lộ 2, Tiểu đội của ông Long dẫn đường cho Trung đoàn 762 vận động xuất kích, chặn đánh địch xuống chi viện cho Đất Đỏ, buộc địch phải chi viện bằng máy bay.
Ông Phạm Thành Long |
Kể về trận đánh Chi đoàn thiết giáp số 3 của địch đi giải tỏa đường số 2 từ Bà Rịa lên Đức Thạnh, Đại tá Hà Văn Cheo, nguyên cán sự Chính trị tiểu đoàn 4, Trung đoàn Q762, cho biết, đơn vị ông đóng ở Suối Nghệ. Khi Chi đoàn thiết giáp số 3 của địch đi giải tỏa, Trung đoàn Q762 không đánh mà ém quân chờ địch rút về mới đánh.
“Đoàn xe M.113 của địch quay về bị Q762 bao vây, chặn đầu khóa đuôi tiêu diệt. Một chiếc xe chạy thoát vòng vây nhưng hoảng quá chạy lọt xuống cầu Sông Cầu. Toàn bộ đoàn xe và quân địch bị quân ta tiêu diệt gọn”, Đại tá Cheo nói.
Làm nhiệm vụ nghi binh thu hút lực lượng của địch về hướng Long Thành và Nhơn Trạch, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 800 Quân khu miền Đông cho biết, Trận đánh địch trên đường 15 của Tiểu đoàn 800 rất gian nan, bộ đội ta thức trắng đêm phục kích nhưng mãi đến 9 giờ sáng hôm sau địch mới tới. Trận chiến nổ ra, địch chống trả quyết liệt. Bộ đội bị thương và hy sinh nhiều nhưng vẫn quyết tâm đánh thắng trận.
Hành quân từ chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) về chốt chặn ở ngã ba 3 Đức Mỹ, đảm nhận nhiệm vụ pháo kích mở đường cho bộ đội tiến công ấp Bình Giã, ông Trần Mai (SN 1939) nguyên chiến sĩ Đoàn pháo binh chủ lực Miền (U80) cho biết, tại vị trí này, vừa có thể pháo kích tới Bình Ba, Bình Giã. Đồng thời, chặn đánh địch từ Hòa Long lên chi viện cho Bình Giã.
Ông Trần Mai |
“Trinh sát đi trước nắm tọa độ, pháo binh qua đo đạc tọa độ, đánh dấu và bắn theo hiệu lệnh. Nhận được hiệu lệnh, đơn vị tôi nã pháo dồn dập về ấp Bình Giã, phá hàng rào ấp chiến lược để bộ binh tiến công. Cũng tại ngã ba Đức Mỹ, đơn vị tôi chặn đánh viện, diệt 14 xe thiết giáp của địch”, ông Mai nói.
Trận đánh Bình Giã không chỉ đáng nhớ bởi không chỉ toàn thắng, mà sau thắng lợi của chiến dịch, ông Mai chuyển làm công tác quân y và gặp “một nửa” của đời mình là cô giao liên Nguyễn Thị Thu, y sĩ của Tiểu đoàn 445. Chiến tranh kết thúc, ông Mai không về quê Bến Tre mà quyết định ở lại chiến trường xưa để xây dựng mái ấm gia đình với bà Thu, góp tay xây dựng quê hương Châu Đức giàu đẹp.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN