Một khí thế sục sôi, một tinh thần đại nghĩa
Giữa khí thế sục sôi cách mạng và nhiệt huyết của toàn dân, giữa sự sống và cái chết, nhưng quân dân ta trong quá trình tham gia chiến dịch Bình Giã vẫn luôn thể hiện tinh thần đại nghĩa.
Bà Phạm Thị Sơn, Nguyên Trưởng ban vận động thanh niên huyện Châu Thành cũ và chồng - ông Trần Văn Khánh, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy kể về không khí tham gia Chiến dịch Bình Giã. |
Hừng hực khí thế bảo đảm hậu cần
Nhớ về khí thế hào hùng của Chiến dịch Bình Giã năm xưa, bà Phạm Thị Sơn, nguyên Trưởng ban vận động thanh niên huyện Châu Thành kể, chiến dịch mở ra với quy mô lớn nên lãnh đạo tỉnh lo lắng nhất việc bảo đảm lương thực và lực lượng tải đạn, khiêng thương binh. Trước nhu cầu cấp bách, tỉnh huy động các địa phương, tổ chức, đoàn thể dốc toàn lực bảo đảm hậu cần cho chiến dịch với phương châm tuyệt đối bí mật.
Nhận nhiệm vụ, bà Sơn không quản ngại nguy hiểm, gian khổ vượt qua các đồn, bốt địch xuống các xã thuộc chi khu Châu Thành - Đức Thạnh vận động thanh niên đi dân công, tập trung xe bò, xe thồ chuẩn bị tải lương thực, vũ khí và khiêng thương binh. Chiến trường nổ ra khắp nơi nhưng hàng ngàn thanh niên hăng hái xung phong tòng quân và đi dân công phục vụ chiến dịch. Họ luôn có mặt ở các mũi nhọn trên trận tuyến, vượt qua bom đạn địch để tải đạn, khiêng thương binh, sẵn sàng làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm. “Khí thế phấn khởi chuẩn bị hậu cần lan rộng toàn tỉnh. Trong nhà có gì là người dân mang ra ủng hộ bộ đội đánh giặc. Các chị, các mẹ trong nhà chỉ còn mỗi hũ gạo, lọ mỡ… đều mang ra ủng hộ dù tôi khuyên cản nên giữ lại một ít để dùng”, bà Sơn hào sảng kể.
“Chiến dịch Bình Giã thắng lợi cổ vũ phong trào cách mạng địa phương. Mặc cho bom đạn ác liệt, thanh niên trong tỉnh ùn ùn đăng kí tòng quân, nhân dân tin tưởng và hết lòng ủng hộ cách mạng. Các xã đêm họp dân, khi tôi đứng ra vận động có cả trăm thanh niên đăng kí tòng quân đánh giặc”, bà Phạm Thị Sơn, nguyên Trưởng ban vận động thanh niên huyện Châu Thành nói. |
Giúp mẹ chuẩn bị gạo cho bộ đội đánh giặc, bà Mã Thị Na (người dân xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) cho biết, lúc bấy giờ mẹ bà làm hàng xáo nên phụ trách mua lúa, gạo. “Mỗi đêm tôi ngồi phụ đóng gạo vào bao, đợi bộ đội về thì đưa, tùy theo người khỏe hay yếu mà đóng mỗi bao từ 40 -50 lon gạo. Giặc theo dõi nhà tôi dữ lắm nhưng không bắt được vì có hầm bí mật để cất giấu”, bà Na nói.
Còn bà Nguyễn Thị Phụng, nguyên cán bộ phụ nữ xã Xuân Sơn (huyện Châu Thành cũ) tổ chức chị em trong Hội Phụ nữ, Hội Mẹ chiến sĩ trong xã đi vận động nhân dân góp lương thực, nhu yếu phẩm và đi dân công khiêng đạn, tải thương. Những ngày chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch trở thành ngày hội của nhân dân các xã vùng giải phóng. Từ chiều đến đêm trên các ngả đường xe máy kéo, xe lam, xe bò tấp nập chở gạo, mít, chuối, cá khô, thuốc tây… về nơi tập trung ven các trục lộ chính để đội dân công và các đơn vị hậu cần chuyển về căn cứ. Chỉ trong khoảng 1 tháng, bà Phụng cùng hội viên vận động được hàng trăm kg lương thực, thuốc trị bệnh và nhu yếu phẩm cung cấp cho chiến trường. Lo bộ đội đói, từ 4 giờ sáng các mẹ, các chị dậy nấu đồ ăn để tiếp sức. “Chúng tôi mỗi người chuẩn bị sẵn một chiếc khăn, mỗi ngày vắt hàng ngàn vắt cơm chuyển ra mặt trận cho bộ đội trụ lại hầm hào đánh giặc”, bà Phụng nhớ.
Bà Nguyễn Thị Phụng |
Chiến trường nổ ra khắp nơi, tin chiến thắng dồn dập báo về hậu phương nhưng cũng không ít thương binh, chiến sĩ tử nạn được khiêng về tuyến sau để điều trị và chôn cất. “Các anh hy sinh được bó lại bằng 1 thước vải sọc và 1 tấm ni lon phủ lên rồi chôn cất. Nhìn cảnh chôn cất bộ đội, tôi đau xót lắm nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh phải chấp nhận hy sinh để đổi lại sự hòa bình, yên ấm của quê hương, đất nước”, bà Phụng ngấn lệ.
Xông pha tiếp đạn, tải lương, ông Tạ Quang Đại (người dân tộc Châu Ro, ngụ xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) hào sảng kể: “Tôi mang 2 cây súng, vác theo 40 kg gạo ra chiến trường. Trên trời máy bay trực thăng bay từng đàn như ong nên phải đi ban đêm. Lúc đó tôi mạnh dạn đi, nếu hy sinh là cống hiến cho đất nước, chứ bộ đội họ đánh rầm rầm ngoài chiến trường không sợ chết thì mình sợ gì”.
Bên cạnh khí thế rộn ràng của công tác hậu cần thì công tác binh vận cũng được nhân dân trong tỉnh đẩy lên cao trào và phát huy tác dụng lớn. Các chị, các mẹ và lực lượng binh vận tổ chức nhiều đợt vào đồn, bót khắp toàn tỉnh để đấu tranh, tuyên truyền và tác động “tình cảm” khiến lực lượng địch co cụm, bỏ chạy khỏi đồn, bót hoặc giúp đỡ phía ta mua lương thực, nhu yếu phẩm. Nhờ đó vùng giải phóng được mở rộng, tạo điều kiện cho việc vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm an toàn về căn cứ. Bà Mai Phương Thành, nguyên cán bộ thanh niên xã Ngãi Giao, kể tổ thanh niên của bà đưa các mẹ, các bà xuống tỉnh Phước Tuy, gặp tỉnh truởng để biểu tình. Nếu đoàn bị bắt một người thì bà phải quay về báo cho cấp trên. Bà Mai Phương Thành nhớ lại: “Chúng tôi biểu tình yêu cầu Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, đả đảo McNamara, đả đảo Tổng thống Johnson. Địch lấy viết vẽ lên nón lá, áo trắng của bà con dòng “đả đảo cộng sản”, ngay lập tức các chị, các bà xé nón, cởi áo vứt luôn”.
Được huy động đi tiếp nhận vũ khí ở bến Lộc An, bà Huỳnh Thị Ánh, (người dân xã Phước Thuận, huyện Xuyen Mộc) cho biết, khi tàu chở vũ khí về ngoài biển Lộc An, bà chèo ghe nhỏ ra lấy vũ khí và ngụy trang bằng lưới đánh cá. Khi gần cập bến, phải có người ra ám hiệu mới dám vào bờ. Có chuyến bị địch pháo kích chìm tàu, mình dứt khoát bỏ chứ không cho địch lấy vũ khí.
Với phương châm bí mật tuyệt đối cho chiến dịch, ông Huỳnh Thành Nhân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Nhứt (huyện Long Điền) cho biết thời điểm đó ông được yêu cầu huy động người dân và du kích khoảng 20 người ở An Nhứt xuống Lộc An tải đạn về chi khu Đức Thạnh - Châu Thành. “Lúc súng nổ ở Bình Giã, mọi người mới vỗ vai nhau nói: Hôm tôi với ông đi tải đạn là phục vụ chiến dịch Bình Giã đó”. Nhờ yếu tố bí mật chúng ta mới đánh thắng giặc”, ông Huỳnh Thành Nhân nhớ lại.
|
Cứu chữa cho lính Mỹ
Trong chiến dịch Bình Giã, lực lượng quân - dân y dũng cảm, vượt qua bom pháo địch, chuyển thương binh về tuyến sau để cứu chữa. Có những trận đánh, số thương binh được cáng về hàng trăm ca mỗi đợt đều do lực lượng y sĩ sơ cứu kịp thời.
Đại úy, bác sĩ Tăng Phát Nhuần, nguyên y tá trưởng Trung đoàn Q.761 kể, quân y trên chiến truờng lao ra băng bó vết thương cho bộ đội, chỉ hơi cao đầu lên là bị địch bắn. Họ phải kiếm gò mối, bờ bao hoặc nơi khuất để đưa chiến sĩ tới núp và băng bó vết thương. Đánh thắng trận, sau khi băng bó cứu thương cho các chiến sĩ, một tiểu đoàn mũi nhọn của ta bắt sống được lính Mỹ bị thương ở đùi và băng bó giúp ông ta. Chiến sĩ ta phải vài người nâng đùi lính Mỹ mới có thể băng bó được.
"Sau trận đánh, giặc chết và bị thương rất nhiều. Có một lính Mỹ sợ quá, giả chết. Bộ đội đi kiểm tra, phát hiện ông ta ngồi dậy van xin. Chúng tôi yêu cầu giao vũ khí rồi lấy dụng cụ băng bó và dặn ngồi chờ cho đến khi trực thăng của Mỹ tới chở”, bác sĩ Nhuần kể.
Hằn sâu trong tâm trí bà Phạm Thị Tuyết, nguyên y tá quân y Viện 1.500A là hình ảnh các chiến sĩ vật lộn với vết thương của bom đạn quân thù. Các chiến sĩ bị thương ở phổi phải nửa nằm nửa ngồi, chứ nằm xuống không thở được, bà Tuyết phải kề lưng để thương binh dựa cho dễ thở mà điều trị. Có những chiến sĩ bị thương sọ não, tối ngày la hét nên y bác sĩ phải an ủi động viên. “Cực khổ nhất là mấy anh ở phòng mổ, phải mổ suốt ngày đêm không có thời gian ăn cơm. Thương binh về ồ ạt nên các anh tay bận mổ, phải có người đút cơm để ăn”, bà Phạm Thị Tuyết nói.
Ông Nguyễn Văn Nhân |
Sau những trận đánh của Đại đội 445 và Trung đoàn 762 vào Bình Giã, thương binh được tải về dồn dập. Ông Nguyễn Văn Nhân, nguyên đội phó Đội phẫu thuật tiền phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh phải dùng đèn xe đạp rọi vô vết bị thương để mổ ở dưới hầm. “Có khi quân y thay phiên nhau đạp xe 2 tiếng đồng hồ để đèn xe đạp sáng mới mổ xong 1 ca. Thiếu kháng sinh, máu, thuốc mê, dụng cụ y tế... và thiếu đủ thứ. Trong tay có gì sử dụng cái đó, có trường hợp gãy xương lòi ra ngoài bắt buộc dùng cưa sắt để cưa”, ông Nguyễn Văn Nhân xót xa.
Khi nhận được thông tin địch sẽ đánh bom nơi điều trị thương binh, ngay trong đêm lực lượng dân công hỏa tuyến và bộ đội và quân y phải khiêng hàng trăm thương binh băng rừng, bắc cầu treo để vượt qua sông Ray nước chảy xiết về Xuyên Mộc, đảm bảo an toàn.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN