.
KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

Cần có chính sách đãi ngộ với nhà giáo

Cập nhật: 17:55, 20/11/2024 (GMT+7)

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: CHÂU VŨ

Ưu đãi với nhà giáo

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu cho rằng dự thảo luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn.

Nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định về chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi với nhà giáo.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, do vậy, cần có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ ưu đãi, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông ủng hộ việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi giáo viên có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đăng ký phát biểu thảo luận và gửi bài phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, quy định tuyển dụng nhà giáo cần chi tiết hơn về đối tượng được hưởng ưu tiên và các tiêu chuẩn trong quá trình tuyển dụng. Chế độ làm việc, đặc biệt là đối với nhà giáo tại các khu vực khó khăn, cũng cần được quy định chặt chẽ hơn để tạo điều kiện công tác ổn định.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng (như nhà giáo tại vùng khó khăn hoặc có thành tích xuất sắc) và các tiêu chí trong quy trình tuyển dụng. Đồng thời, cần bổ sung nội dung về hỗ trợ chỗ ở, phụ cấp và các quyền lợi khác cho nhà giáo tại các vùng đặc biệt khó khăn.

Ủng hộ đầu tư đường sắt tốc độ cao 

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bày tỏ đồng tình với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam. Theo đại biểu, đây không chỉ là dự án giao thông quy mô lớn mà còn là một chiến lược quốc gia quan trọng, sẽ đem lại động lực phát triển lâu dài cho đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Việc đầu tư xây dựng tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ khắc phục những hạn chế trong hệ thống giao thông hiện tại, đặc biệt là tuyến đường sắt cũ kỹ và thiếu an toàn. Đại biểu cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, tuyến ĐSTĐC sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực, giảm tải áp lực lên các tuyến giao thông khác như đường bộ, hàng không, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại các đô thị lớn; góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải lớn trên hành lang Bắc - Nam. Dự báo đến năm 2050, tuyến đường sắt này cần đảm nhận khoảng 122,7 triệu lượt khách và 18,2 triệu tấn hàng hóa. Điều này cho thấy vai trò không thể thiếu của đường sắt trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Để triển khai dự án có hiệu quả, đại biểu đề nghị Bộ GT-VT tham mưu Chính phủ lựa chọn công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật; xem xét việc kết hợp nhiều phương thức huy động vốn khác nhau. Bên cạnh đó, dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố, đòi hỏi giải phóng mặt bằng lớn với tổng diện tích đất sử dụng ước tính khoảng 10.827ha và tái định cư cho khoảng 120.836 người. Đây là thách thức không nhỏ.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần thực hiện chặt chẽ các chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân tái định cư và ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm mới để người dân sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên nước dọc tuyến đường sắt.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

.
.
.