Sáng 30/11, thảo luận tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa VII (dự kiến khai mạc sáng 5/12), nhiều đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bệnh nhân ngộ độc do bánh mỳ đang điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG |
"Vụ sản xuất nước tinh khiết giá rẻ ở TP.Vũng Tàu được Báo Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh vào tháng 11, sau đó địa phương và các ban ngành mới vào cuộc. Tôi đề nghị cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa, tránh việc mất bò mới lo làm chuồng”, Đại biểu bà Võ Ngọc Thanh Trúc nói.
Cũng đề cập đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện được người dân quan tâm, đại biểu Nguyễn Công Danh, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ nêu thực trạng phun các loại thuốc bảo vệ thực vật vào rau, trái cây nhưng không đạt chuẩn về quy trình thu hoạch còn phổ biến. Bên cạnh đó, một số trường học không có căn tin, dẫn đến tình trạng HS mua đồ ở hàng rong trước cổng trường, gây nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, một vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 300 người bị ngộ độc vừa xảy ra tại TP.Vũng Tàu khiến dư luận hoang mang. Đại biểu Danh đề nghị cần có giải pháp đồng bộ để người dân có cuộc sống an toàn, hạnh phúc.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Quan tâm đến giải ngân đầu tư công, đại biểu Mai Minh Quang cho biết, năm 2024 tình hình giải ngân vốn đầu tư công tăng so với những năm trước, tuy nhiên vẫn chưa đạt so với kế hoạch năm 2024 đề ra, dù từ đầu năm tỉnh đã ráo riết chỉ đạo. Tính đến thời điểm này, còn 52 dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò quan trọng, vì có giải phóng mặt bằng được mới có thể triển khai dự án.
“Tỉnh cần đánh giá rõ nguyên nhân vì sao 52 dự án này chậm triển khai giải phóng mặt bằng, trong đó cần xem xét đến năng lực của địa phương”, đại biểu Mai Minh Quang đề nghị.
Nhà thầu thi công tại công trình Dự án Cải tạo, nâng cấp đường ven núi Minh Đạm đoạn từ Tỉnh lộ 44A giáp khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Đại biểu Nguyễn Văn Đa, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, công tác giải phóng mặt bằng trước đây vướng do xác định giá, tuy nhiên sau khi làm việc với Bộ TN-MT, UBND tỉnh đã có văn bản rất cụ thể về việc xác định giá. Từ khi có văn bản này, các địa phương đã triển khai thực hiện và chưa có báo cáo gặp vướng mắc. Vì vậy, đại biểu đề nghị các địa phương tiếp tục triển đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đưa các dự án vào hoạt động.
Còn về giải ngân vốn tư công, có nội dung trước đây bồi thường cho người dân nhưng họ không nhận thì không giải ngân vốn đầu tư công được. Tuy nhiên, theo Luật đất đai mới hiện nay, số tiền bồi thường người dân không nhận được đưa vào ngân hàng Nhà nước và khi đã đưa vào ngân hàng Nhà nước thì số tiền này coi như là giải ngân vốn đầu tư công. Do đó phải cộng vào tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công để tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Phát triển nhà ở xã hội
Quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hành Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu câu chuyện một chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không được vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do không bảo đảm đầy đủ các tiêu chỉ, nên không được vay hỗ trợ lãi suất, phải vay vốn thương mại.
Từ đó đại biểu đề nghị, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan cần rà soát, thúc đẩy việc hoàn thiện các hồ sơ pháp lý cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp và sớm công bố các dự án đủ điều kiện, đủ tiêu chí vay vốn từ gói tín dụng để các DN, các ngân hành thương mại trên địa bàn tỉnh khai thông điểm nghẽn về vay vốn và có sản phẩm cho người có thu nhập thấp vay vốn để mua.
Thu hút lao động trẻ nội tỉnh về làm việc
Đại biểu Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật và Công nghệ tin nêu thực trạng, mỗi năm hơn 12.000 HS tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ 30% học nghề và làm lao động phổ thông. Còn lại đi học và rất nhiều em ở lại làm việc tại các địa phương khác sau khi tốt nghiệp. Dẫn đến tình trạng, tỉnh bị chảy máu chất xám, hạn chế sự thu hút đầu tư của các DN vào các KCN, vì thiếu nguồn nhân lực tại chỗ.
“Tỉnh cần có chiến lược để giữ chân HSSV học tại tỉnh, thu hút HS ở các nơi khác về Bà Rịa - Vũng Tàu học, làm việc”, đại biểu Trương Huỳnh Như đề nghị.
Các đại biểu cũng đề xuất cần có đề án chuyển đổi nghề một cách hiệu quả, khả thi để phát triển các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, bảo đảm cuộc sống cho người nông dân và ngư dân trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cùng với đó là chuyển đổi ngành nghề cho bà con ngư dân trên địa bàn các xã ven biển do hiện nay ngư trường khai thác bị thu hẹp, giá cả nhiên, nguyên vật liệu tăng cao, nhân công khan hiếm… ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn.
Đồng thời có giải pháp, chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng khuyến khích lực lượng thanh niên tham gia học tập các ngành, nghề liên quan đến các loại hình khởi nghiệp như phát triển kinh tế biển, du lịch biển, du lịch cộng đồng, phát triển làng nghề…
NHÓM PV THỜI SỰ