.

Bắt buộc bố trí thiết bị, phương tiện chữa cháy ở khu dân cư

Cập nhật: 09:23, 01/11/2024 (GMT+7)

Sáng 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật gồm 9 chương, 59 điều. Dự thảo Luật được Ban soạn thảo chuẩn bị khá công phu, tiếp thu sửa đổi nhiều nội dung đã được góp ý tại Kỳ họp 7.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Đỗ Văn Yên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Góp ý đối với nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ (CNCH) (Điều 5), đại biểu Yên nhận thấy trong thời đại công nghệ 4.0, các thiết bị công nghệ cao như camera, cảm biến nhiệt, hệ thống báo động tự động… có thể giúp phát hiện sớm nguy cơ cháy nổ, CNCH và kịp thời ứng phó. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nguyên tắc “Ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác PCCC và CNCH” vào khoản 4, Điều 5 để các cơ quan tổ chức chú trọng hơn đến việc đầu tư công nghệ mới.

Về báo cháy, tình huống cần phải CNCH (Điều 6), đại biểu cho biết mặc dù tại khoản 6, Điều 13 của dự Luật có quy định nghiêm cấm hành vi “Báo cháy giả, báo tình huống CNCH giả”, nhưng tại Điều 6 quy định về báo cháy, tình huống cần phải CNCH không quy định cách thức xử lý báo cháy, tình huống cần phải CNCH giả như thế nào. Đại biểu cho biết trong thực tiễn khi xảy ra vấn đề này sẽ gây mất thời gian và nguồn lực. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cách thức xử lý vấn đề này và phải có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp báo cháy, báo CNCH giả với hình phạt nặng để răn đe.

Về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20) và phòng cháy đối với cơ sở (Điều 22), đại biểu Yên nhận định, hiện nay, nhiều cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn PCCC nhưng vẫn hoạt động, hoặc chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm. Điều này đòi hỏi cần có chế độ kiểm tra định kỳ và công khai kết quả. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định chi tiết hơn về chế độ kiểm tra định kỳ và công khai minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đề nghị bổ sung quy định: “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra PCCC hàng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở.” Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về việc kiểm tra định kỳ các thiết bị PCCC tại các cơ sở, để đảm bảo thiết bị PCCC luôn trong tình trạng hoạt động tốt và kịp thời.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Về yêu cầu về PCCC khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 14), đại biểu cho biết, hiện nay, trên thực tế nhiều khu dân cư và khu công nghiệp còn thiếu các phương tiện chữa cháy cơ bản, như trụ nước chữa cháy, hệ thống thoát hiểm hoặc thiết bị chữa cháy tự động. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ yêu cầu bắt buộc về việc bố trí các thiết bị và phương tiện chữa cháy, đặc biệt là ở các khu dân cư và khu công nghiệp; bổ sung một khoản quy định rõ ràng hơn về việc bắt buộc bố trí phương tiện chữa cháy và xây dựng hạ tầng đồng bộ về PCCC tại các khu dân cư, khu công nghiệp ngay trong giai đoạn lập quy hoạch.

Về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện (Điều 23), đại biểu nhận thấy điều luật cần có quy định chi tiết về việc lắp đặt các hệ thống điện an toàn tại các tòa nhà cao tầng, khu dân cư đông đúc và các cơ sở sản xuất lớn, vì trong thực tế có nhiều vụ cháy xảy ra do sự cố chập điện từ hệ thống lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, đặc biệt là tại các khu nhà cao tầng và cơ sở sản xuất. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định: “Các tòa nhà cao tầng, khu dân cư và cơ sở sản xuất lớn phải lắp đặt hệ thống điện đạt chuẩn, có thiết bị cảnh báo chập điện và ngắt điện tự động khi có sự cố.”

Về tình huống CNCH (Điều 32), đại biểu cho biết, hiện nay các sự cố thiên tai và sự cố công nghiệp liên quan đến hóa chất nguy hiểm đang gia tăng, đòi hỏi phải có sự sẵn sàng và quy định chi tiết hơn trong việc CNCH, do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc mở rộng thêm các tình huống CNCH liên quan đến thảm họa thiên tai và sự cố hóa chất, cháy nổ công nghiệp.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH quan tâm, thảo luận.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

.
.
.