Thống nhất thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, sáng 31/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng và việc thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương.
Tổ thảo luận số 4, gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Tăng cường tiềm lực kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung và cả nước
Tham gia thảo luận Đề án thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến bày tỏ sự đồng thuận cao với Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương.
Đại biểu cho rằng đây là một quyết định mang tính chiến lược, đáp ứng nguyện vọng của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế và cử tri cả nước; phù hợp với định hướng phát triển bền vững, tăng cường tiềm lực kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. TP.Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ khẳng định vai trò quan trọng của Huế là trung tâm văn hóa, lịch sử của dân tộc, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng đời sống người dân, phát triển kinh tế, và bảo tồn các giá trị văn hóa di sản đặc sắc của quốc gia.
Góp ý về tên gọi và giữ gìn bản sắc văn hóa của TP.Huế, đại biểu Yến thống nhất giữ nguyên tên gọi “Thành phố Huế” để duy trì tính liên tục lịch sử, văn hóa. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung vào Đề án thêm các tiêu chí xây dựng để các công trình mới phải hài hòa với kiến trúc cổ, duy trì vẻ đẹp truyền thống của cố đô. Theo đại biểu, tên gọi Huế đã đi sâu vào văn hóa, lịch sử dân tộc, không chỉ là tên gọi mà còn là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Việc giữ nguyên tên gọi và đảm bảo bản sắc văn hóa sẽ giúp thành phố phát triển bền vững, tôn vinh giá trị di sản, đồng thời mang lại sức hút đặc biệt cho Huế trong mắt du khách và các nhà đầu tư.
Về cơ cấu tổ chức chính quyền đô thị và cơ chế quản lý hành chính, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Đề án các phương án cụ thể về tổ chức chính quyền đô thị khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, cần có quy định rõ ràng về việc quản lý các khu vực di sản, cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, nhất là khi tổ chức lại các quận, thị xã, phường trong địa bàn thành phố. Bởi, TP.Huế có đặc thù là một đô thị di sản, cần một cơ chế quản lý hành chính phù hợp và rõ ràng. Việc tổ chức các cơ quan hành chính với chức năng và nhiệm vụ phù hợp sẽ giúp chính quyền mới quản lý hiệu quả, đồng thời bảo đảm bảo tồn giá trị di sản trong phát triển.
Về bảo tồn di sản và phát triển bền vững, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm vào Đề án các biện pháp bảo tồn di sản cụ thể, nhấn mạnh vào cam kết bảo vệ các công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa như Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Việt Nam và các công trình kiến trúc cổ khác.
Về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân, đại biểu cho rằng Đề án cần có các định hướng rõ hơn về phát triển kinh tế bền vững cho Huế, tập trung vào các lĩnh vực du lịch văn hóa, y tế chuyên sâu, giáo dục và khoa học công nghệ, đồng thời cũng cần có lộ trình cụ thể để tăng thu nhập bình quân đầu người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân,
Về chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi mô hình hành chính, đại biểu cho rằng Đề án cần có các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, bao gồm hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ, quyền sở hữu đất đai, và các thủ tục hành chính khác. Theo đại biểu, việc chuyển đổi mô hình hành chính từ tỉnh sang thành phố trực thuộc Trung ương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Nếu có các chính sách hỗ trợ hợp lý và kịp thời, sẽ giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với các thay đổi, giảm thiểu xáo trộn và bất cập trong quá trình chuyển đổi.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Về kết nối vùng và hợp tác quốc tế, đại biểu cho rằng Đề án cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các tuyến giao thông kết nối giữa Huế và các thành phố, tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị. Đồng thời, cần xác định các định hướng tăng cường hợp tác quốc tế để quảng bá văn hóa Huế và phát huy lợi thế di sản trong thu hút du lịch, đầu tư nước ngoài. Bởi, Huế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, do đó việc tăng cường kết nối vùng sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển và hội nhập kinh tế - văn hóa cho thành phố.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng
Góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến cho biết hoàn toàn ủng hộ nội dung dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng.
Theo đại biểu Yến, với vị trí là trung tâm kinh tế, công nghiệp, và cảng biển quan trọng của cả nước, Hải Phòng cần một mô hình quản lý hành chính hiện đại, linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng và đặc thù của thành phố. Nghị quyết này sẽ giúp chính quyền Hải Phòng tập trung vào các nhiệm vụ quản lý đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, và đảm bảo an sinh xã hội một cách đồng bộ và hiệu quả hơn. Đồng thời, việc tổ chức lại chính quyền đô thị sẽ tăng cường sự chủ động, tạo điều kiện thuận lợi để Hải Phòng phát huy tiềm năng, giữ vững vị thế là đầu tàu phát triển của vùng kinh tế phía Bắc và góp phần vào sự thịnh vượng chung của cả nước.
Góp ý về mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng, đại biểu Yến cho biết Dự thảo Nghị quyết đưa ra mô hình không tổ chức HĐND quận, phường, chỉ tổ chức HĐND tại cấp thành phố. Đại biểu ủng hộ mô hình này nhằm tinh gọn bộ máy và tăng cường hiệu quả hoạt động của chính quyền. Tuy nhiên, việc không có HĐND quận, phường sẽ đòi hỏi UBND các cấp cần có cơ chế hoạt động minh bạch, rõ ràng và có trách nhiệm giải trình cao hơn. Theo đại biểu, cần có quy định bổ sung để đảm bảo việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền được thực hiện chặt chẽ, tránh tình trạng chồng chéo, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng như quản lý đất đai, ngân sách và đầu tư công. Đồng thời, điều này cũng giúp tăng cường tính tự chủ và linh hoạt trong điều hành phát triển đô thị của UBND thành phố và UBND các quận, phường.
Về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố, Dự thảo quy định tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại Hải Phòng, đồng thời tăng thêm các thẩm quyền cho HĐND thành phố nhằm đảm nhận những nhiệm vụ mà HĐND quận, phường không còn thực hiện. Đại biểu Yến cho rằng, việc tăng thêm các đại biểu chuyên trách là cần thiết và hợp lý, nhưng cần có các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động cụ thể để đảm bảo các đại biểu này hoàn thành tốt trách nhiệm giám sát, đại diện ý chí, nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, cần bổ sung quy định cho phép HĐND thành phố điều chỉnh một số quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với mô hình mới, nhưng cũng cần kiểm soát để không gây ra sự phức tạp hoặc kéo dài thời gian giải quyết công việc của người dân.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND thành phố, theo dự thảo, UBND thành phố sẽ được trao thẩm quyền điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, nhằm tăng tính chủ động và linh hoạt trong quản lý. Đại biểu Yến đồng ý với quy định này vì nó sẽ giúp Hải Phòng có thể ứng phó linh hoạt với các vấn đề đô thị phát sinh. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị bổ sung giới hạn cho các quyết định điều chỉnh này để đảm bảo tính ổn định và kiểm soát quyền lực, tránh trường hợp lạm quyền. Đặc biệt, đối với các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý ngân sách, tài sản công, và đầu tư công, các quyết định phân cấp, phân quyền cần có sự giám sát chặt chẽ, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ với các quy định của Trung ương.
Về chế độ công vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã, đại biểu Yến ủng hộ quy định thống nhất chế độ công vụ từ cấp xã lên cấp huyện để tạo điều kiện thuận lợi trong điều động, luân chuyển, và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quy định này không chỉ giúp chuẩn hóa mà còn hỗ trợ việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức linh hoạt, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, quy định này sẽ khác biệt với Luật Cán bộ, công chức hiện hành, nên về lâu dài, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu và đưa vào sửa đổi Luật Cán bộ, công chức để đảm bảo sự đồng bộ trong chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức ở cấp cơ sở.
Về các điều khoản thi hành và quy định chuyển tiếp, Dự thảo quy định rằng nếu các văn bản ban hành sau có quy định thuận lợi hơn thì HĐND TP.Hải Phòng có thể áp dụng. Theo đại biểu Yến, việc áp dụng pháp luật cần tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ và tránh khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, cần có quy định rõ ràng về xử lý các văn bản quy phạm pháp luật do UBND phường đã ban hành trước khi nghị quyết có hiệu lực, để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn khi mô hình mới đi vào hoạt động.
Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thảo luận nhiều ý kiến quan trọng để đóng góp cho hai nội dung thảo luận trên.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)