Thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ đại biểu đối với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng và việc thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Thống nhất thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương
Tham gia thảo luận Đề án thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến bày tỏ sự đồng thuận cao với Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương.
Đại biểu cho rằng đây là một quyết định mang tính chiến lược, đáp ứng nguyện vọng của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế và cử tri cả nước; phù hợp với định hướng phát triển bền vững, tăng cường tiềm lực kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. TP.Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ khẳng định vai trò quan trọng của Huế là trung tâm văn hóa, lịch sử của dân tộc, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng đời sống người dân, phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa di sản đặc sắc của quốc gia.
Về tên gọi và giữ gìn bản sắc văn hóa của TP.Huế, đại biểu Yến thống nhất giữ nguyên tên gọi “Thành phố Huế” để duy trì tính liên tục lịch sử, văn hóa. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung vào Đề án thêm các tiêu chí xây dựng để các công trình mới phải hài hòa với kiến trúc cổ, duy trì vẻ đẹp truyền thống của cố đô. Theo đại biểu, tên gọi Huế đã đi sâu vào văn hóa, lịch sử dân tộc, không chỉ là tên gọi mà còn là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Việc giữ nguyên tên gọi và đảm bảo bản sắc văn hóa sẽ giúp thành phố phát triển bền vững, tôn vinh giá trị di sản, đồng thời mang lại sức hút đặc biệt cho Huế trong mắt du khách và các nhà đầu tư.
Về cơ cấu tổ chức chính quyền đô thị và cơ chế quản lý hành chính, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Đề án các phương án cụ thể về tổ chức chính quyền đô thị khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, cần có quy định rõ ràng về việc quản lý các khu vực di sản, cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, nhất là khi tổ chức lại các quận, thị xã, phường trong địa bàn thành phố. Bởi, TP.Huế có đặc thù là một đô thị di sản, cần một cơ chế quản lý hành chính phù hợp và rõ ràng. Việc tổ chức các cơ quan hành chính với chức năng và nhiệm vụ phù hợp sẽ giúp chính quyền mới quản lý hiệu quả, đồng thời bảo đảm bảo tồn giá trị di sản trong phát triển.
Cần bổ sung quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở y tế
Phát biểu thảo luận về về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu bày tỏ tán thành với quy định liên thông cấp chuyên môn kỹ thuật khi khám bệnh. Việc liên thông này nhằm đảm bảo quyền hiến định của người dân được lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp, tốt nhất cho bản thân khi có bệnh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở khám bệnh.
Theo đại biểu, nếu ngành y tế thực hiện việc liên thông được kết quả xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho quỹ BHYT. Quan trọng hơn là giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người dân là bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Đại biểu mong muốn Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết sách kịp thời thể hiện rõ về lộ trình thực hiện liên thông kết quả cận lâm sàng trong dự thảo Luật để mọi người dân đều có cơ hội thụ hưởng thành quả của chính sách về y tế.
Tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể giá khám bệnh, chữa bệnh bao gồm giá thành toàn bộ, tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến và các nghĩa vụ tài chính khác.
Đại biểu kiến nghị hai phương án. Trong đó, phương án 1, sửa đổi dự thảo Luật theo hướng đồng bộ quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên, giá BHYT sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho quỹ, vì vậy, trong dự thảo phải có các chính sách để cân đối Quỹ như bổ sung nguồn quỹ, tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ. Phương án 2, thực hiện thanh toán BHYT theo định suất, theo nhóm chẩn đoán. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT thống nhất chung trên toàn quốc.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU