Minh bạch đầu tư công là yếu tố then chốt tăng hiệu quả sử dụng vốn
Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, chiều 29/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với dự Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tổ thảo luận Số 4, gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất với sự cần thiết phải ban hành 2 Dự Luật, để kịp thời điều chỉnh các bất cập trong thực tế thi hành các Luật trong thời gian qua, góp phần tăng cường quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các quy trình, đảm bảo tính hiệu quả và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Góp ý đối với Dự Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Yến thống nhất cao với nội dung quy định về tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập; về phân cấp, phân quyền trong đầu tư công.
Về áp dụng Luật Đầu tư công, điều ước quốc tế (Điều 3), đại biểu Yến cho biết việc thực hiện chương trình, dự án đầu tư công tại nước ngoài tuân thủ quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, có quy định khác với luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó, là chưa đầy đủ.
Theo đại biểu, cần cân nhắc bổ sung quy định cụ thể hơn về điều kiện và tiêu chuẩn đầu tư công ra nước ngoài, vì đây là hoạt động có nhiều rủi ro về pháp lý và tài chính, nên cần có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ lợi ích quốc gia. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung: "Việc đầu tư công ra nước ngoài phải đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và phù hợp với chiến lược quốc gia. Cần có đánh giá độc lập về rủi ro và khả năng hoàn vốn, đồng thời quy định rõ cơ chế giám sát, báo cáo dự án trong suốt quá trình triển khai".
Về công khai, minh bạch trong đầu tư công (Điều 15), đại biểu Yến nhận thấy điều luật đã quy định các nội dung cần công khai, minh bạch trong đầu tư công và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực hiện công khai, song chưa có nội dung quy định về các biện pháp xử lý nếu không tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung chế tài xử lý vi phạm tiếp nối vào sau khoản 2 Điều 15 như sau: "Trường hợp không tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”. Vì đảm bảo tính minh bạch là yếu tố then chốt để giảm tham nhũng và tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Về các hành vi bị cấm trong đầu tư công (Điều 17), đại biểu Yến nhận định tại khoản 7 Điều 17 quy định hành vị bị cấm là: “Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần định nghĩa rõ hơn thế nào là "không đúng mục đích" trong một số trường hợp phức tạp, bổ sung danh sách các hành vi cụ thể được coi là sử dụng không đúng mục đích để tránh việc áp dụng luật một cách tùy tiện hoặc gây khó khăn cho việc điều chỉnh dự án khi cần thiết.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
* Góp ý đối với dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán
Đối với sửa đổi khoản 3 Điều 12: “Thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đại biểu Yến nhận xét: Dự luật bổ sung quy định về các hành vi thao túng thị trường theo hình thức liệt kê các hành vi cụ thể nhưng vẫn thiếu các biện pháp xử lý rõ ràng đối với những hành vi này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc bổ sung thêm quy định về mức độ xử phạt và biện pháp phòng ngừa thao túng chứng khoán.
Đối với sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 31: “Bán cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ”, đại biểu Yến cho biết tại điểm c, khoản 1, Điều 31 quy định thời hạn hạn chế chuyển nhượng 3 năm là dài đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 3 năm xuống còn 2 năm, đồng thời cho phép chuyển nhượng nội bộ trong vòng 1 năm giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vì việc điều chỉnh thời gian sẽ làm tăng sự linh hoạt cho nhà đầu tư mà không ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán
Đối với sửa đổi khoản 4, Điều 12: Kỳ kế toán năm đầu tiên và năm cuối cùng có thể không quá 15 tháng”, đại biểu Yến nhận thấy việc quy định kỳ kế toán năm đầu tiên và năm cuối cùng có thể không quá 15 tháng. Điều này tuy tạo ra sự linh hoạt, nhưng có thể bị lạm dụng bởi các doanh nghiệp để trì hoãn việc công bố tài chính hoặc gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát. Theo đại biểu nên giới hạn kỳ kế toán tối đa xuống còn 12 tháng, đây là khoảng thời gian hợp lý để đảm bảo tính nhất quán trong báo cáo tài chính và minh bạch với cơ quan quản lý. Các trường hợp kỳ kế toán đầu tiên hoặc cuối cùng được kéo dài hơn nên có yêu cầu báo cáo và phê duyệt từ cơ quan tài chính để tránh tình trạng kéo dài không cần thiết.
Đối với sửa đổi khoản 2, Điều 51: “Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán…”, đại biểu Yến cho biết quy định này vẫn chưa đủ rõ ràng về phạm vi trách nhiệm và quyền bảo vệ quyền lợi cho người làm kế toán trong trường hợp có sự xung đột với cấp quản lý. Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung rõ hơn nữa về quyền của người làm kế toán khi họ phải thực hiện các quyết định tài chính mà họ cho là không phù hợp.
Về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đối với sửa đổi, bổ sung khoản 10a vào sau khoản 10 Điều 8, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ “chi mua sắm, thuê hàng hóa, dịch vụ” vào sau cụm từ “mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị” tại khoản 10a và sửa thành: “10a. Chi ngân sách Nhà nước (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) cho …. mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi mua sắm, thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Vì trong thực tiễn cho thấy cần bổ sung cụm “mua sắm” các hàng hóa, dịch vụ để phục vụ hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành.
Đối với sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 2, bổ sung điểm I, khoản 9 Điều 30, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ: “các cấp quyết định phân bổ dự toán chi tiết theo quy định của pháp luật” vào sau cụm từ “giao Ủy ban nhân dân…” và sửa thành: “d) Đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết theo quy định tại điểm a, b và c khoản này, giao Ủy ban nhân dân các cấp quyết định phân bổ dự toán chi tiết theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn…”. Vì theo đại biểu trong quá trình triển khai thực hiện dự toán chi hàng năm, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 thì một số nguồn kinh phí như chi khác, chi mua sắm sửa chữa, chi chương trình, đề án,... khi có nhu cầu sử dụng phải được UBND cấp tỉnh tổng hợp trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể hoặc HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết giao UBND cấp tỉnh thực hiện phân bổ theo quy định.
Bên cạnh đó, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về hỗ trợ ngành dọc đóng chân trên địa bàn. Đại biểu Yến cho biết tại khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, quy định về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách xác định Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác…
Theo đại biểu, thực tiễn tại các địa phương cho thấy, các đơn vị ngành dọc đóng chân trên địa bàn như: Cục Thống kê, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Cục Thi hành án dân sự… vẫn đề nghị UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí cho một số nhiệm vụ phát sinh trong năm. Tuy nhiên, do xác định việc thực hiện chức năng của những đơn vị này có kết hợp thực hiện một số nhiệm vụ theo yêu cầu của cấp dưới chưa có quy định cụ thể. Do đó, việc xác định để hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho các đơn vị này chưa có đủ cơ sở vững chắc.
Để thống nhất trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định này hoặc giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định các nội dung chi ngân sách địa phương được hỗ trợ cho các đơn vị trên như Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Đối với sửa đổi khoản khoản 2a, Điều 45 “Chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý”, đại biểu Yến cho rằng quy định này chưa nêu rõ quyền và nghĩa vụ của cơ quan Trung ương và địa phương trong quá trình chuyển giao tài sản. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên cân nhắc bổ sung thêm quy định về các nguyên tắc chuyển giao tài sản giữa Trung ương và địa phương, đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm quản lý tài sản sau khi chuyển giao để đảm bảo việc quản lý tài sản công không bị gián đoạn và tránh thất thoát tài sản trong quá trình chuyển giao.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật Quản lý thuế
Đối với sửa đổi khoản 4, Điều 42 “Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử”, đại biểu Yến nhận thấy quy định này cần làm rõ hơn cơ chế và trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc khấu trừ, nộp thuế cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hiện tại, chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát doanh thu từ các nền tảng nước ngoài. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung các biện pháp giám sát, chế tài xử lý vi phạm đối với các sàn thương mại điện tử không tuân thủ việc khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh.
Đối với sửa đổi khoản 1, Điều 66 về tạm hoãn xuất cảnh, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với: “cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp” vào khoản 1 Điều 66 và sửa thành: “1. Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế…” để đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 3, 4 Điều 12 Luật Doanh nghiệp.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dự trữ quốc gia
Đối với sửa đổi Điều 3: “Mục tiêu của dự trữ quốc gia”, đại biểu Yến nhận xét điều luật mới quy định mục tiêu của dự trữ quốc gia chỉ tập trung vào các tình huống cấp bách như thiên tai, thảm họa và an ninh quốc phòng, chưa đề cập đến các tình huống kinh tế xã hội khẩn cấp khác như khủng hoảng tài chính, biến động giá cả nguyên liệu cơ bản.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các mục tiêu dự trữ nhằm ổn định kinh tế trong bối cảnh có biến động thị trường lớn (ví dụ: khủng hoảng kinh tế, sự sụt giảm nguồn cung năng lượng, hoặc tình trạng lạm phát đột biến) để bảm bảo dự trữ quốc gia có thể ứng phó kịp thời với các tình huống kinh tế ngoài dự kiến, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên nền kinh tế và đời sống người dân.
Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tham gia phát biểu nhiều ý kiến góp ý tích cực đối với 02 dự Luật trên tại phiên thảo luận Tổ.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)