.
KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

Quản lý hiệu quả máy bay không người lái

Cập nhật: 17:48, 30/10/2024 (GMT+7)

Sáng 30/10, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận Tổ về dự Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu và Nghị quyết thí điểm xử lý tài sản trong các vụ án hình sự. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự Luật Phòng không Nhân dân.

Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch quốc gia

Tham gia thảo luận, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy quân chủng Hải Quân Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thống nhất về sự cần thiết sửa đổi các luật nói trên. Theo đại biểu việc sửa đổi không chỉ giúp tăng cường phân quyền, tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt hơn, mà còn góp phần thúc đẩy đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

Đối với sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, về điều chỉnh mối quan hệ giữa các loại quy hoạch (Khoản 1, Điều 5, Điều 6), đại biểu Yên đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các loại quy hoạch đặc thù như quy hoạch công nghiệp dược, quy hoạch du lịch, nhằm đáp ứng đúng nhu cầu và đặc điểm phát triển của từng ngành.

Về chi phí cho hoạt động quy hoạch (Khoản 4, Điều 9), dự thảo luật cho phép sử dụng ngân sách chi thường xuyên để tài trợ cho các hoạt động quy hoạch trong trường hợp khẩn cấp là một giải pháp thực tế. Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách chi thường xuyên cũng đặt ra thách thức lớn, đặc biệt khi nguồn ngân sách này vốn đã rất hạn chế.

Để tránh lạm dụng, đại biểu Yên đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc có quy định rõ ràng về các điều kiện và trường hợp được phép sử dụng chi thường xuyên cho quy hoạch, đồng thời đảm bảo tính minh bạch bằng cách bổ sung thêm các quy định cụ thể về việc sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (Điểm d, g1 Khoản 1 Điều 31), đại biểu Yên cho biết, việc dự luật phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án cảng biển đặc biệt có vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng là hợp lý. Đề xuất này vừa giúp giảm tải cho cấp trung ương, vừa nâng cao tính chủ động của địa phương.

Quy định cụ thể tiêu chí xác định trọng điểm phòng không cấp tỉnh

Gửi bài đăng ký phát biểu thảo luận về dự Luật Phòng không Nhân dân đến Ban soạn thảo tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, dự thảo luật đã có nhiều điểm tiến bộ, hướng tới tăng cường bảo vệ vùng trời, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đại biểu Hùng cho biết, hiện nay, dự thảo luật đưa nội dung quản lý “máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ” từ Luật Hàng không dân dụng sang Luật Phòng không Nhân dân. Đại biểu đồng tình với việc này, bởi trong bối cảnh mới, hoạt động của các phương tiện bay không người lái đang gia tăng nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với quốc phòng và an ninh vùng trời. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả quản lý, đại biểu kiến nghị, cần làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền cụ thể của các lực lượng trong phối hợp tham gia trong quản lý và giám sát xử lý phương tiện này. Việc quy định rõ ràng như vậy sẽ giúp tránh chồng chéo và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Về trọng điểm phòng không nhân dân (Điều 6), đại biểu Hùng nhận định, việc xác định trọng điểm phòng không là một nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ quốc gia. Dự thảo luật đã đề cập trọng điểm phòng không cấp tỉnh và cấp huyện, tuy nhiên, tiêu chí xác định trọng điểm chưa cụ thể, dễ dẫn đến tình trạng thiếu nhất quán trong triển khai. Từ đó đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung tiêu chí rõ ràng để xác định trọng điểm phòng không nhân dân theo các yếu tố: vị trí chiến lược, mức độ nguy cơ tấn công, và sự tồn tại của các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng. Việc xác định rõ ràng tiêu chí sẽ giúp tập trung nguồn lực vào các khu vực cần bảo vệ, tránh tình trạng dàn trải; đồng thời đề xuất sửa cụm từ “tấn công” thành “tiến công” cho phù hợp.

Điều 24 quy định về “công trình phòng không nhân dân”, nhưng phạm vi và cách thức quản lý còn chưa rõ ràng. Để tránh trùng lặp với công trình quốc phòng hoặc các công trình dân dụng có mục đích lưỡng dụng, đại biểu Hùng kiến nghị, bổ sung các quy định cụ thể về phân loại công trình phòng không nhân dân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý công trình này. Điều này sẽ giúp tránh chồng chéo, đồng thời tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng khi triển khai xây dựng và bảo vệ công trình.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

.
.
.