NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Phối hợp với mũi đấu tranh vũ trang, các mũi đấu tranh chính trị, binh vận đã tạo nên một thế trận toàn dân-toàn diện trong trong chiến thắng Bình Giã, tiêu biểu cho chiến tranh Nhân dân.
Dân quân tiếp tế lương thực cho chiến trường Bình Giã. (Ảnh tư liệu) |
Thế trận lòng dân
Năm 1964, phong trào cách mạng phát triển trên toàn miền Nam. Lực lượng vũ trang ba thứ quân trưởng thành, căn cứ địa, hậu phương, hậu cần được củng cố, thiết lập. Chiến tranh Nhân dân phát triển thực hiện tiêu hao rộng và tiêu diệt nhỏ đối với địch. Mũi tiến công phá ấp chiến lược bằng chính trị và quân sự làm thất bại nặng nề mục tiêu chủ yếu của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đẩy ngụy quyền rơi vào cuộc khủng hoảng.
Phong trào phá ấp chiến lược, mở mảng, mở vùng của quân và dân Bà Rịa thu được thắng lợi trên diện rộng. Cùng với đó, chiến tranh du kích phát triển sâu rộng. Chỉ tính riêng trong tháng 10/1961, quân và dân Bà Rịa đã đánh 58 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 233 tên địch. Vùng giải phóng mở rộng, các tuyến hành lang giao thông liên tỉnh, liên huyện thông suốt, tạo thế bao vây, cô lập các đồn bót, căn cứ và các trung tâm đầu não của địch ở TX. Bà Rịa, Long Khánh, Vũng Tàu, tạo địa bàn cho bộ đội chủ lực cơ động và đứng chân.
Chuẩn bị cho chiến dịch Bình Giã có sự kết hợp chặt chẽ và thông suốt của lực lượng hậu cần Miền, quân khu và nhân dân địa phương; kết hợp quân y Miền với quân-dân y Bà Rịa. Ta xây dựng các cơ sở kinh tế bán công khai, cơ sở bí mật ở Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu đến những hiệu buôn dọc trục lộ giao thông, tận dụng tối đa địa bàn có mạng lưới đường giao thông phát triển, các loại phương tiện để chuyển gạo, thuốc men từ Sài Gòn, Long Khánh… về căn cứ. Để có thêm lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội ăn no, đánh thắng, nhân dân tỉnh Bà Rịa không chỉ thắt lưng buộc bụng, đem mồ hôi và cả máu xương để giữ gìn những cơ sở hậu cần... phục vụ cho chiến dịch. Hàng ngàn thanh niên Bà Rịa và các tỉnh lân cận lên đường đi dân công chiến dịch; phối hợp cùng Đoàn K10 vận chuyển vũ khí từ tỉnh Bến Tre, bến Lộc An về căn cứ Hắc Dịch. Khi chiến dịch mở ra, chúng ta đã có khoảng 1.000 tấn lương thực và vũ khí, 2 bệnh viện dã chiến, 1 đội phẫu thuật cơ động 300 giường có đủ thuốc, máu khô cho 600 thương binh.
Toàn bộ công tác chuẩn bị địa bàn, ém quân, nắm tình hình địch và đánh chặn các đoàn xe cơ giới của địch trên các tuyến giao thông của quân và dân địa phương tạo điều kiện cho chủ lực ta bí mật hành quân từ chiến khu Đ vượt qua các căn cứ, các đường giao thông để triển khai ở vị trí tập kết, sẵn sàng vào trận.
Chiến thắng của sức mạnh tổng hợp
Trong chiến dịch Bình Giã, việc kết hợp hoạt động quân sự với phá ấp chiến lược, tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt và giành quyền làm chủ thực hiện một cách nhịp nhàng, gắn bó tạo thành đòn tiến công tổng hợp đạt hiệu quả cao về tiêu diệt địch và phá ấp chiến lược.
Phương thức tác chiến chiến tranh Nhân dân, đánh địch rộng khắp trên các hướng, tạo điều kiện cho chủ lực Miền tập trung đánh những trận then chốt quyết định ở hướng chính. Trong khi bộ đội chủ lực Miền thực hiện những trận đánh lớn như: đánh tan cuộc hành quân “Bình Tuy 33”, bẻ gãy cuộc hành quân của lực lượng tổng hợp các binh chủng địch với 2.000 tên... thì trên khắp địa bàn tỉnh, bộ đội địa phương và dân quân du kích chủ động tổ chức tiến công các đồn bót và chặn đánh các toán quân địch đi càn. Hàng ngàn dân công địa phương xông pha lửa đạn, không ngại nguy hiểm bám sát chiến sĩ giải phóng tiếp đạn, tải thương binh.
Hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương góp phần giam chân chủ lực của địch, buộc chúng phải đối phó nhiều nơi, phân tán hỏa lực, tạo điều kiện cho chủ lực Miền phát huy tác dụng. Chiến thắng của quân chủ lực góp phần cổ vũ động viên Nhân dân và phát triển chiến tranh Nhân dân địa phương, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ.
Tại huyện Long Đất, bộ đội huyện cùng du kích bao vây đồn Bờ Đập, diệt 42 tên. Nhân dân xã Phước Hải bao vây đồn Lớn ở trung tâm xã, mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng làm chủ xã ấp. Ở Long Hải-Đá Giăng trên lộ 14, Đại đội 440 của tỉnh và bộ đội 25 huyện Long Đất phục kích diệt 120 tên, bắn cháy 4 xe bọc thép. Tại huyện Xuyên Mộc, bộ đội chủ lực cùng các đơn vị địa phương đánh địch ở các xã trên lộ số 1, số 2, giải phóng các xã Cẩm Đường, Thừa Đức, Bình Phú, bức rút đồn Bảo Chánh góp phần chặn con đường số 1, số 2 dẫn tới khu vực bộ đội chủ lực của ta mở chiến dịch.
Phối hợp với mũi đấu tranh vũ trang, các mũi đấu tranh chính trị và binh vận trong nông dân, công nhân cao su cũng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Nhân dân trong vùng giải phóng thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập đấu tranh nhập thị, kéo vào thị xã đấu tranh với địch. Kết hợp giữa tiến công quân sự và đấu tranh của quần chúng các xã Long Phước, Hòa Long, Bình Ba, ta bao vây đồn bảo an buộc chúng phải tháo chạy về tiểu khu Phước Tuy, giải phóng các ấp chiến lược trong xã. Đồng bào các dân tộc hăng hái tham gia cản địch, dẫn đường cho bộ đội truy kích địch, tải thương, tiếp lương, chuyển đạn. Lực lượng quân chúng từ các đồn điền cao su chi viện tích cực cho đồng bào trong các ấp chiến lược nổi dậy.
Phát huy thắng lợi, sau chiến thắng Bình Giã, với vùng giải phóng mở rộng liên hoàn từ huyện Hàm Tân đến huyện Hoài Đức (tỉnh Bình Thuận), mở rộng căn cứ Hắc Dịch và Đông Tây lộ số 2 nối liền với chiến khu Đ, tạo điều kiện cho ta hoàn chỉnh thế trận chiến tranh Nhân dân, sẵn sàng đương đầu với âm mưu mới của Mỹ-ngụy.
Sự kết hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và Nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh thắng quân chủ lực của địch có trang bị hiện đại, phá tan các đơn vị dân vệ, phá banh các ấp chiến lược, mở mảng, giành dân.
Với thế trận chiến tranh Nhân dân, chiến dịch Bình Giã giáng vào các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và quốc sách “ấp chiến lược” của Mỹ-ngụy những đòn choáng váng, làm phá sản về cơ bản chiến lược chiến tranh đặc biệt.
MẠNH QUÂN
* Bài viết có sử dụng tư liệu: Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975); Chiến dịch Bình Giã- một mốc lịch sử đáng ghi nhớ.