Nghiên cứu kỹ biện pháp kiểm soát giá thuốc

Thứ Ba, 22/10/2024, 09:33 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận.

 Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ Đại biểu Ngu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ

Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.

Góp ý đối với điểm a, khoản 1, Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 5, Điều 2 định nghĩa về “Dược liệu”, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định dược liệu “đạt tiêu chuẩn làm thuốc”. Theo đại biểu, chỉ khi quy định rõ và chi tiết thế nào là “đạt tiêu chuẩn làm thuốc” mới có cơ sở để đảm bảo sản xuất và quản lý dễ dàng, thực hiện đúng yêu cầu, đảm bảo chất lượng dược liệu.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Tương tự tại điểm d, khoản 1, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 2 định nghĩa về “Sinh phẩm”, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ định nghĩa “sinh phẩm chẩn đoán in vitro”; đại biểu nhận định đây là một lĩnh vực phức tạp và có thể gây nhầm lẫn. Quy định này cần chính xác để tránh việc áp dụng sai, ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán bệnh.

Đối với điểm a, khoản 3, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 về “Kinh doanh dược phẩm theo thương mại điện tử”, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát để đảm bảo chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh dược qua thương mại điện tử. Theo đại biểu với sự phát triển của thương mại điện tử, các quy định này sẽ đảm bảo việc giao dịch thuốc trực tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.

Đối với khoản 4, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 về “Phát triển ngành công nghiệp dược”, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần bổ sung, quy định rõ các chính sách ưu đãi: về thuế, vốn vay hoặc miễn giảm cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển thuốc mới, đặc biệt là thuốc công nghệ cao, để có thể phát triển và cạnh tranh với thị trường quốc tế. Các chính sách ưu đãi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này.

Để  đảm bảo người tiêu dùng mua được thuốc đúng chất lượng và tránh tình trạng bán thuốc không đúng quy định trên các sàn giao dịch, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của thuốc được bán trên sàn tại điểm b, khoản 17, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1a Điều  42 về “kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử”.

Nhận định thực tiễn giá thuốc biến động và chênh lệch khá lớn giữa các cơ sở, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, đặc biệt là những người bệnh cần thuốc lâu dài, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ biện pháp kiểm soát giá thuốc, như thành lập các cơ chế kiểm soát giá độc lập nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng tại điểm a, khoản 42, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 107 về “Các biện pháp Quản lý giá thuốc”.

Đối với điều khoản lựa chọn phương án tại khoản 5, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 8 về  “Chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược”, đại biểu Hùng ủng hộ lựa chọn Phương án 2 - là thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho các dự án trong các ngành dược đáp ứng quy định của Luật Đầu tư, nhưng không yêu cầu cụ thể về quy mô vốn đầu tư tối thiểu như phương án 1. Theo đại biểu, Phương án 2 linh hoạt cho nhà đầu tư nhỏ, không quy định ngưỡng vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội nhận ưu đãi, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển công nghiệp dược. Điều này quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển đa dạng và bền vững trong ngành, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, việc không giới hạn quy mô vốn đầu tư tối thiểu phù hợp với các vùng kinh tế khó khăn, nơi mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ để phát triển ngành dược, đặc biệt trong việc nuôi trồng dược liệu.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.