Không để nông dân ảnh hưởng nếu áp thuế suất 5% với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
Sáng 29/10, phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị bổ sung quy định cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khi thanh toán bằng cổ phiếu, trái phiếu.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh: LONG PHÚC |
Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân giao dịch không dùng tiền mặt
Đại biểu Phúc cho biết, qua tiếp thu ý kiến cử tri và các cơ quan chuyên ngành cùng với nghiên cứu tài liệu về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội, đại biểu đề nghị Cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo rà soát, cân nhắc thêm một số nội dung:
Đối với quy định khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khi thanh toán bằng cổ phiếu, trái phiếu tại Điều 14 Khoản 2, để phù hợp với thực tiễn, cần xem xét bổ sung quy định cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khi thanh toán bằng cổ phiếu, trái phiếu. Đây là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, cần được quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt.
Tại điểm c Khoản 9 Điều 15 dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định “Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc hàng hỏa, dịch vụ mua vào chưa được người bán kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định thì cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đổi với số thuê giá trị gia tăng tương ứng với số tiền chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc chưa được người bán kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng”.
Do đó, đại biểu Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào chưa có chứng từ thanh toán bằng tiền mặt (trong một số trường họp đặc thù theo quy định của Chính phủ) thì có được hoàn thuế hay không?
Cùng với đó, đại biểu Phúc đề nghị xem xét quy định cơ chế phân bổ nguồn thu từ các đơn vị có chi nhánh khác địa phương nơi có phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh của chi nhánh nhưng hạch toán phụ thuộc công ty mẹ thì phân bổ nguồn thu thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ doanh thu phát sinh tại chi nhánh để phản ánh nguồn thu này vào ngân sách của địa phương mà đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trực tiếp tạo ra doanh thu.
Theo đại biểu Phúc, đề nghị nêu trên căn cứ vào Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 80 của Bộ Tài chính, quy định việc Phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho tỉnh nơi đơn vị phụ thuộc, địa điếm kinh doanh là cơ sở sản xuất và khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80 quy định việc Người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở xuất và đổi với đơn vị phụ thuộc trực tiếp bán hàng, sử dụng hóa đơn do đơn vị phụ thuộc đăng ký hoặc do người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc, theo dõi hạch toán đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu ra, đầu vào thì đơn vị phụ thuộc khai thuế, nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị phụ thuộc.
Và từ thực tiễn tình hình thu ngân sách Nhà nước đối với các đơn vị có hoạt động mua bán, kinh doanh phát sinh trực tiếp bán hàng và xuất hóa đơn trên địa bàn các tỉnh nhưng lại thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng và nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ 80% tại Cục thuế các tỉnh, thành phố khác nơi văn phòng tổng công ty và công ty kinh doanh đặt trụ sở, trong khi đó tại địa phương nơi các đơn vị có hoạt động mua bán, kinh doanh phát sinh trực tiếp bán hàng và xuất hóa đơn thì chỉ được phân bổ tỷ lệ 20% trên tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp.
Theo đại biểu Phúc, đây là những bất cập liên quan đến nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước gắn với các hoạt động khác như an ninh trật tự, an sinh xã hội… có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị mà địa phương nơi đó phải thực hiện và bảo đảm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, Luật Thuế giá trị gia tăng lần này xem xét ghi nhận nội dung nêu trên theo hướng điều chỉnh cân đối tỷ lệ nộp thuế giá trị gia tăng tại Cục thuế các tỉnh, thành phố khác nơi văn phòng tổng công ty và công ty kinh doanh đặc trụ sở với địa phương nơi các đơn vị có hoạt động mua bán, kinh doanh phát sinh trực tiếp bán hàng và xuất hóa đơn phù hợp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên thảo luận. Ảnh: LONG PHÚC |
Cân nhắc kỹ lưỡng về quy định mức thuế suất 5% đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
Đối với dự thảo tại điểm b Khoản 2 Điều 9 quy định mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi theo quy định của pháp luật, báo cáo giải trình phương án thuế suất 0% hay 5% đều có cơ sở pháp lý và quan điểm bảo vệ phương án. Nhưng như đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa và một số đại biểu khác đề xuất chọn phương án chuyển mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi theo quy định của pháp luật là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
“Đó chính là yêu cầu chính đáng về việc cần có câu trả lời thuyết phục cử tri và Nhân dân, nhất là nông dân cả nước liên quan việc đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp. Tôi cũng rất băn khoăn việc quy định thuế suất 5% đối với các mặt hàng phục vụ nông nghiệp như trên. Điều nào sẽ đảm bảo rằng người nông dân không bị ảnh hưởng với sự gia tăng thuế (nếu có)”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.
Do đó, rất cần sự cam kết rằng người dân không bị ảnh hưởng nếu Quốc hội đồng ý quy định áp thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi theo quy định của pháp luật.
“Thiết nghĩ, xây dựng chính sách pháp luật không phân biệt đối tượng, lĩnh vực nhưng người nông dân đã chịu nhiều thiệt thòi và đối diện với áp lực nuôi trồng - tiêu thụ được mùa - mất giá, được giá - mất mùa. Vì vậy, cân nhắc kỹ càng để người dân và cụ thể là người nông dân không bị ảnh hưởng nếu Quốc hội đồng ý quy định áp thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi theo quy định của pháp luật là rất cần được quan tâm”, đại biểu Phúc đề nghị.
PHÚC LƯU - LONG PHÚC