.

Quốc hội thảo luận tại tổ đại biểu về dự Luật Đất đai và một số dự luật quan trọng

Cập nhật: 10:32, 20/06/2024 (GMT+7)

Sáng 20/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Tổ thảo luận số 4, gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Nội dung được thảo luận tại tổ gồm: Dự thảo Luật này được bố cục thành 5 Điều, trong đó: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Điều 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Điều 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; Điều 4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Điều 5. Hiệu lực thi hành, theo đó: Các điều nêu trên được sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo luật và thời điểm dự kiến có hiệu lực như Điều 5 đã quy định. Các đại biểu đều nhận định: Việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống phù hợp với chủ trương của Đảng; khắc phục những tồn tại hạn chế nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm đang xảy ra trong thực tiễn; đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bát động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư …cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, để bảo đảm các luật được thi hành có hiệu quả khi có hiệu lực sớm, các vị đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và thực hiện đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật. Nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục. Bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản cần thiết để hướng dẫn, quy định chi tiết việc thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.

Tin, ảnh: CHÂU VŨ

 

.
.
.