.

Quốc hội thảo luận dự Luật PCCC và CNCH và dự Luật Phòng không Nhân dân

Cập nhật: 18:53, 19/06/2024 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, chiều 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và dự Luật Phòng không Nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tổ.

Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Tham gia thảo luận đối với đối với dự Luật Phòng không nhân dân, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng qua 61 năm thực hiện các Nghị định: số 112 năm 1963, số 65 năm 2002, số 74 năm 2015 về phòng không nhân dân (PKND) và 16 năm thực hiện Nghị định số 36 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, thì việc Quốc hội xem xét ban hành 1 đạo luật thống nhất để quản lý nhà nước về công tác phòng không Nhân dân là rất cần thiết và cấp bách trong tình hình mới, phục vụ nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trời Tổ quốc. Đại biểu Hùng cũng cho biết thống nhất cao với bố cục dự thảo.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 2, đại biểu Hùng đề nghị bổ sung cụm từ “Fly cam, UAV” vào sau cụm từ “mô hình bay”, vì đại biểu cho biết hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân nhân sử dụng các phương tiện này phục vụ mục đích quay phim, sử dụng ảnh tư liệu về du lịch, giải trí và cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó cần quy định để cơ quan chức năng cấp phép, kiểm tra, giám sát, nhất là đối tượng sử dụng là người nước ngoài.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ.

Về tổ chức lực lượng PKND tại Điều 12, đại biểu Hùng đề nghị ghép điểm b và c thành 1 điểm b, vì đại biểu cho rằng nhiều Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trong cả nước có biên chế đơn vị bộ đội địa phương là lực lượng phòng không chuyên trách như cấp tỉnh, do đó ghép 2 nội dung này lại là phù hợp.

Về tạm giữ, thu giữ, chế áp tài bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ tại Điều 31, đại biểu Hùng đề nghị bổ sung cụm từ “tịch thu” trước cụm từ “tạm giữ” đồng thời bổ sung thêm một khoản liên quan đến vấn đề tịch thu đối với phương tiện bay cố tình vi phạm nhiều lần.

Ngoài ra, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến quy định về chế độ, chính sách đối với người được huy động làm nhiệm vụ PKND phù hợp và đảm bảo tính hợp lý, đồng thời đề nghị nên cân nhắc quy định thời gian Luật này có hiệu luật nên sớm hơn so với quy định tại dự thảo, điều chỉnh từ 01/01/2026 thành 01/7/2025.

Góp ý đối với Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thống nhất sự cần thiết ban hành luật này và tên gọi của luật.

Đại biểu Đỗ Văn Yên,  Chuẩn đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân phát biểu thảo luận tổ.
Đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân phát biểu thảo luận tổ.

Về phòng cháy đối với nhà ở tại Điều 17, đại biểu Hùng cho biết, đối chiếu thực tiễn, phòng cháy đối với nhà ở là vấn đề rất phức tạp, quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về phòng cháy đối với nhà ở thời gian qua còn nhiều bất cập, khó khăn, nhưng Luật chỉ quy định vấn đề này có 2 khoản nhưng còn khá sơ sài, chưa cụ thể.

Vì vậy, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm 1 khoản 3 để giao “Chính phủ quy định chi tiết điều này”, nhằm thống nhất thực hiện trên toàn quốc, đặc biệt đại biểu nhấn mạnh cần quan tâm đến nhà công tác phòng cháy đối với nhà ở cao tầng, chung cư mi ni, nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Hùng cũng cho ý kiến đóng góp về một số nội dung liên quan đến thực tập phương án chữa cháy tại Điều 22 của dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia phát biểu nhiều ý kiến góp ý tích cực đối với 2 dự Luật trên tại phiên thảo luận Tổ.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

.
.
.