.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự Luật Công chứng (sửa đổi)

Cập nhật: 11:08, 25/06/2024 (GMT+7)

Sáng  25/6, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận.

Góp ý về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên tại Điều 16, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm quy định vào khoản 2 Điều 16 như sau: “Công chứng viên không được thành lập hoặc tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 02 (hai) năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh” vì theo đại biểu cho biết tại khoản 5 Điều 185 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều này thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên”. Do đó, theo đại biểu việc bổ sung thêm nghĩa vụ của công chứng viên như trên nhằm bảo đảm tính ổn định trong hoạt động, tính chịu trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động hành nghề công chứng và phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Về dữ liệu Công chứng tại Điều 63, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định dữ liệu công chứng phải đảm bảo liên thông với các dữ liệu về dân cư, đất đai…Đại biểu Hùng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến tính tương thích của dữ liệu công chứng, phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động công chứng có tuân thủ pháp luật hay không

Đối với thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh: (i). Trong ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, theo đại biểu Hùng cho biết tại điểm d khoản 1 Điều 72 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng. Tuy nhiên, để triển khai quy định này được thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên phạm vi toàn quốc, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào khoản 2 Điều 71 dự thảo Luật theo hướng quy định Bộ Tư pháp xây dựng khung tiêu chí, tiêu chuẩn chung về thành lập Văn phòng công chứng, để trên cơ sở này, các địa phương ban hành tiêu chí riêng của mình. (ii). Đối với thẩm quyền UBND tỉnh trong chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch tại điểm e khoản 1 Điều 72, đại biểu Hùng cho biết sau khi đối chiếu quy định này với khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024; Điều 164 Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ 01/01/2025; khoản 5 và khoản 6 Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2025 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực các hợp đồng, giao dịch đều có quy định người dân được lựa chọn hình thức công chứng hoặc chứng thực các hợp đồng liên quan đến các giao dịch về đất đai, nhà ở cũng như các nội dung liên quan đến cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký…

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các Luật: Công chứng, Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Nghị định quy định về thẩm quyền chứng thực với nội dung của dự Luật Công chứng sửa đổi, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét bỏ điểm e khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật để đảm bảo tính phù hợp.

Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin, ảnh: CHÂU VŨ

 

 

 

.
.
.