.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự Luật Phòng chống mua bán người

Cập nhật: 10:12, 24/06/2024 (GMT+7)

Sáng 24/6, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật Phòng chống mua bán người. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 3 đã đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ khoản 2, khoản 3 Điều 3 vì đại biểu cho rằng khoản 1 Điều 3 đã bao hàm nội dung của khoản 2, 3 đồng thời đề nghị bổ sung thêm 01 khoản quy định cấm hành vi “cố tình báo tin, tố giác, tố cáo, khai báo sai sự thật về hành vi phòng, chống mua bán người”.

Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận.
Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận.

Về chính sách nhà nước về phòng, chống mua bán người, đại biểu Quân đề nghị bổ sung thêm vùng “biên giới” và “đối tượng yếu thế” vào khoản 4, Điều 5. Vì theo đại biểu khu vực biên giới là những nơi khá phức tạp về an ninh trật tự, nơi dễ thực hiện hành vi lừa đảo, mua bán người và các đối tượng yếu thế, khuyết tật cũng là đối tượng dễ bị tội phạm buôn bán người ngắm đến, do đó cần phải được tập trung nhiều hơn.

Viện dẫn quy định về tiếp nhận xác minh, nạn nhân tự đến trình báo tại khoản 1, Điều 26: “Người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân, hoặc người đại diện hợp pháp của họ có căn cứ cho rằng họ là nạn nhân thì đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán người...” Đại biểu Quân cho rằng, nếu quy định như trên thì có thể sẽ bó hẹp đối tượng được quyền trình báo, tố giác hành vi mua bán người; vì theo đại biểu thực tế không phải nạn nhân nào cũng có thể tự đến hoặc có người đại diện phợp pháp đến cơ quan trình báo vụ việc mua bán người mà có thể là người dân phát hiện vụ việc đi đến khai báo. Từ đó, đại biểu Quân đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho phù hợp hơn.

Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu tại Điều 27, đại biểu Quân đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định “chuyển ngay người đó đến Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện gần nơi họ được giải cứu”. Theo đại biểu quy định này khó có tính khả thi, vì Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hầu hết không có cơ sở tiếp nhận nạn nhân.

Về giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân tại Điều 32, đại biểu Quân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định thêm khoản 6 quy định: “Chính phủ quy định chi tiết điều này” để có thể điều chỉnh phù hợp trong thực tiễn.

Về các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng tại Điều 35, đại biểu Quân cho biết điều luật chỉ mới quy định các biện pháp bảo vệ, chưa thấy quy định về thẩm quyền áp dụng như thế nào, nên đề nghị Ban soạn thảo rõ...

* Tham gia thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Huỳnh Thị Phúc cho biết cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật. Góp ý đối với khoản 3 Điều 34, về đối tượng bảo vệ, quy định “người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, đại biểu Phúc đề nghị cần xem xét thiết kế phù hợp để không nhầm lẫn hay trùng với với khoản 2 điều này vì đã quy định “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”. Theo đại biểu, nên bổ sung theo hướng “người thân thích của nạn nhân, người thân của nạn nhân đang trong quá trình xác định là nạn nhân” để không trùng lắp.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận.

Mặc khác, đại biểu Phúc cho biết trên thực tế có những người không phải người thân thích của nạn nhân hoặc người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nhưng vẫn tham gia các hoạt động hỗ trợ, phòng, chống và có nguy cơ gặp nguy hiểm, bị đe dọa bởi các đối tượng có hành vi mua bán người; đặc biệt đối với các cán bộ tại cơ sở hỗ trợ, cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận nạn nhân hoặc người đang trong quá trình xác định là nạn nhân vào tạm lánh. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc bổ sung thêm đối tượng được bảo vệ là “cá nhân tham gia bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân hoặc người đang trong quá trình xác định là nạn nhân trong trường hợp có nguy cơ bị đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm” vào Điều 34.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về tội phạm mua bán người, đại biểu Phúc cho biết: Hiện nay, cơ sở dữ liệu về tội phạm mua bán người nằm trong cơ sở dữ liệu về phòng, chống tội phạm nói chung. Tuy nhiên trước thực trạng mua bán người đang diễn ra phức tạp và tinh vi có tính chất xuyên quốc gia. Để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống tội phạm mua bán người và thuận lợi trong hợp tác quốc tế trong vấn đề này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống mua bán người vào dự Luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Theo đại biểu, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn trong công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay thì chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi mà đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang còn là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem là đối tượng của hành vi phạm tội, cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi. Đại biểu nhận định, nếu xét dưới góc độ pháp luật thì hành vi của người mẹ sinh con rồi bán cũng cần quy định là “hành vi mua bán người” và có dấu hiệu của “tội phạm mua bán người”. Tuy nhiên trên thực tế, pháp luật Việt Nam chưa quy định nên không có cơ sở để xem xét liên quan nội dung như nêu trên và Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như pháp luật phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ để làm cơ sở, căn cứ để xử lý vấn đề này. Do đó, trong lần sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người lần này, đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét, có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán này đang diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi như hiện nay. Mặc khác, đại biểu dẫn chứng, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… thông qua đối tượng là pháp nhân thương mại. Do đó, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội mua, bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình phạm tội có tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia hiện nay trong lần sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người lần này để điều chỉnh kịp thời vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống xã hội.

Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận; trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người tại Điều 19 và 20 tại Chương II, đại biểu Phúc cho rằng 02 nội dung này kế thừa và thiết chế lại theo bố cục quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, mặc dù quá trình thực tiễn thi hành không có khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, để đảm bảo tính lo-gic, hệ thống và hợp lý về bố cục của dự luật, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chuyển Điều 19, 20 tại Chương II sang Chương VI của dự Luật - quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống mua bán người để đảm bảo tính hợp lý.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin, ảnh: CHÂU VŨ

 

.
.
.