Sáng 7/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Yến phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có thể được áp dụng các cơ chế chính sách về khu thương mại tự do như Đà Nẵng
Quan tâm đến xây dựng khu thương mại tự do tại các tỉnh, thành phố cần có cơ chế chính sách đặc thù như thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho các tỉnh, thành phố khác thực hiện xây dựng các khu thương mại tự do của tỉnh, thành phố và áp dụng các cơ chế chính sách về khu thương mại tự do như thành phố Đà Nẵng để kịp thời triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt và các Nghị quyết của Đảng. Có như vậy mới đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ cho cả nước.
Đại biểu Yến kiến nghị Quốc hội chấp thuận giao cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện, vì khi các tỉnh, thành phố xây dựng các khu thương mại tự do, cơ bản đều có những nội dung thực hiện giống nhau và giống thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu Yến kính đề nghị Quốc hội cho phép các tỉnh, thành phố không trình thông qua lại Quốc hội ban hành Nghị quyết mới cho từng địa phương mà giao cho Chính phủ triển khai để đảm bảo kịp thời.
Đại biểu Yến cũng phân tích, nếu chỉ thí điểm ở thành phố Đà nẵng mà không chấp thuận cho các tỉnh được áp dụng thì khi xây dựng các khu thương mại tự do về các cơ chế đặc thù này thì các tỉnh, thành phố rất khó thực hiện. Nếu chờ thành phố Đà Nẵng tổ chức thức hiện một thời gian rồi mới sơ kết thực hiện và nhân rộng thì càng khó khăn cho các tỉnh, thành phố. Trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, đại biểu Yến mong muốn Quốc hội quan tâm chấp thuận đề xuất này.
Thu chi ngân sách Nhà nước đạt nhiều kết quả tích cực
Trước đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Đa số các vị đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý thu, chi NSNN năm 2022, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự phiên họp. |
Theo đó, thu NSNN tăng, chi NSNN giảm so với dự toán và so với Báo cáo đánh giá bổ sung tại Kỳ họp thứ 5, bội chi NSNN giảm so với dự toán; nợ công nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Các vị đại biểu đề nghị Chính phủ cần có sự phân tích, đánh giá cụ thể hơn để chỉ ra những mặt đạt được và những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện NSNN năm 2022.
Các vị đại biểu quốc hội cho rằng, công tác quyết toán NSNN năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực hơn, cụ thể: Chính phủ đã rà soát, thu hồi được khá lớn số tạm ứng đã quá hạn theo chế độ còn phải thu hồi từ năm 2021 trở về trước; Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn; Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan KTNN, thanh tra được tăng cường, đẩy mạnh.
Kết quả thực hiện xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2022 về xử lý tài chính đối với quyết toán NSNN năm 2021 đạt gần 90%, đây là một tỷ lệ rất cao so với các năm trước. Đặc biệt sau khi Ủy ban TCNS chủ trì phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021”, kết quả thực hiện đã có chuyển biến tích cực.
Các vị đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác thu NSNN cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để tăng thu NSNN trong điều kiện vẫn còn chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, là năm đầu thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 với nhiều chính sách miễn giảm giãn thuế, phí được ban hành nhưng các khoản thu ngân sách đều cơ bản vượt khá cao, thu NSNN năm 2022 vượt 28,8% so với dự toán.
Các vị đại biểu nhận định thu từ nhà, đất tăng 57,1%, thu từ dầu thô tăng 77% so với dự toán, do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm xem xét lại công tác lập dự toán đối với các nguồn thu này để bảo đảm sát thực tế; nội dung này cần đưa vào Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 để có những biện pháp khắc phục cho các năm sau
Bên cạnh đó, các vị đại biểu cũng chỉ ra trạng chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã kéo dài, chưa được khắc phục, một phần là do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Từ đó, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, giải pháp và đưa vào Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 tình trạng này.
Các vị đại biểu nhận định qua số liệu quyết toán chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển năm 2022 cho thấy, Chính phủ đã thực hiện tốt hơn chủ trương của Nhà nước, Quốc hội đặt ra trong việc giảm chi thường xuyên (số quyết toán chi thường xuyên thấp hơn 76.944 tỷ đồng so với dự toán, giảm 7,9%), tăng chi đầu tư phát triển (số quyết toán chi đầu tư phát triển tăng 18.493 tỷ đồng so với dự toán, tăng 3,1%).
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ nguyên nhân giảm chi thường xuyên là do giảm các khoản nào, để đánh giá thực chất việc giảm chi thường xuyên là do tiết kiệm chi hay do không thực hiện được phải hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau; từ đó chỉ rõ trách nhiệm trong việc không thực hiện được dự toán, hủy dự toán là do các yếu tố nào để có giải pháp thực hiện nội dung này trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Một số vị đại biểu cho rằng, số chi chuyển nguồn NSNN năm 2022 sang năm 2023 rất lớn, tăng cả quy mô và tỷ trọng so với năm trước. Nếu loại trừ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, số chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 vẫn là 426.952 tỷ đồng, tăng 55.917 tỷ đồng so với năm trước.
Từ đó đề nghị Báo cáo Chính phủ cần lưu ý so sánh các loại số chuyển nguồn với các năm trước và lưu ý các nhận định về chi chuyển nguồn của Ủy ban TCNS, rút kinh nghiệm thực hiện các năm tiếp theo, đảm bảo hiệu quả hơn…
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)