Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự phiên họp. |
Còn một số băn khoăn về việc khởi kiện nợ BHXH
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), sau đó Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về nội dung dự thảo luật.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhận định: Về quyền và trách nhiệm của công đoàn tại điểm c Khoản 1 Điều 13 quy định Công đoàn có quyền và trách nhiệm: “Khởi kiện người có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật”.
Theo đại biểu nếu quy định như trên thì phải sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự. Bởi thực tế khi người sử dụng lao động nợ BHXH của người lao động là tranh chấp lao động cá nhân theo điểm a Khoản 1 Điều 179 Bộ Luật Lao động năm 2019, và tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật”.
Do đó, đại biểu cho biết quy định như điểm c Khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật BHXH là không khả thi, khi tổ chức công đoàn khởi kiện nợ BHXH cho người lao động thì phải được người lao động ủy quyền, việc ủy quyền đó thực hiện theo quy định của pháp luật thì không khác với các tổ chức, cá nhân khác khi nhận ủy quyền (chẳng hạn như công ty luật, luật sư, …); chỉ khi nào Luật BHXH giao cho tổ chức công đoàn được quyền khởi kiện đương nhiên khi người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội của người lao động thì mới giải quyết được thực trạng hiện nay nợ bảo hiểm xã hội của người lao động kéo dài.
Từ đó, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung: Trường hợp giữ nguyên như điểm c Khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật thì phải sửa đổi Luật Công đoàn và Bộ Luật Tố tụng dân sự theo hướng tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện khi người sử dụng nợ tiền BHXH của người lao động một cách đương nhiên; hoặc quy định theo hướng: Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện bảo vệ quyền lợi cho người lao động về BHXH hoặc tự mình khởi kiện theo quy định của Luật BHXH; thì phải bổ sung thêm 1 điều quy định cụ thể trường hợp nào Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện bảo vệ quyền lợi cho người lao động về BHXH hoặc tự mình khởi kiện vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận. |
Về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động tại điểm b, Khoản 3 điều 41, đại biểu Phúc viện dẫn: “…người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng...” và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên quy định theo hướng: Cơ quan BHXH có trách nhiệm trích từ quỹ BHXH đóng đủ để người lao động được hưởng chế độ sớm nhất. Sau đó BHXH có trách nhiệm thu hồi số tiền chậm đóng, trốn đóng để trả lại vào quỹ BHXH. Trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng nếu để người lao động đóng thì đẩy gánh nặng về tài chính và cả trách nhiệm đôn đốc của cơ quan BHXH cho người lao động.
Về BHXH một lần tại điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107, đại biểu Phúc cho rằng qua đánh giá 02 Phương án về BHXH một lần, mà điều luật đưa ra thì Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.
Bởi, cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (do không làm ảnh hưởng nhiều đến 18 triệu người lao động đang tham gia BHXH); tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH khi quy định đối tượng bắt đầu tham gia từ sau Luật có hiệu lực thi hành thì không được hưởng BHXH một lần theo điều kiện sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm; hạn chế được tình trạng một người có nhiều lần hưởng BHXH một lần.
Còn đối với Phương án 2, tuy không phân đối tượng tham gia trước và sau khi Luật mới có hiệu lực như Phương án 1, nhưng với việc quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng tối đa 50% sẽ đặt ra những vấn đề: Tất cả người lao động (cả những người đang tham gia và những người tới đây tham gia) sẽ có cảm giác bị giảm quyền lợi nên có thể gặp phải sự phản ứng phức tạp của số đông người lao động đặc biệt đối với người đang tham gia BHXH; có thể gia tăng đột biến số người chấm dứt hợp đồng lao động trước khi Luật thông qua nhằm đủ điều kiện hưởng như quy định hiện hành trước khi Luật có hiệu lực thi hành (trước tháng 7/2025) và khó dự liệu được các diễn biến phức tạp phát sinh trên thực tế.
Do đó, đại biểu Phúc ủng hộ và chọn Phương án 1, song về lâu dài, theo đại biểu Phúc cần hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già.
Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định Chính phủ hướng dẫn việc xác định về thời hạn 12 tháng không tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng BHXH một lần trong trường hợp cơ quan BHXH đã ban hành quyết định hưởng, sau đó người lao động mới giao kết hợp đồng lao động và đóng BHXH cả tháng đó.
Bổ sung thêm một số quy định về chế độ hưu trí với lực lượng quân đội
Đăng ký thảo luận và gửi bài phát biểu thảo luận đến Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu tại phiên họp, Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải Quân, đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết về chế độ hưu trí tại Điều 70 của Dự thảo Luật quy định: Đối với nam 20 năm tham gia đóng BHXH, thì được hưởng 45 %, từ năm 21 trở đi mỗi năm được hưởng thêm 2 % đến tối đa là 75 %; Đối với nữ 15 năm tham gia đóng bảo BHXH, thì được hưởng 45%, từ năm thứ 16 trở đi thì được hưởng thêm 2 % đến tối đa 75 %.
Đại biểu Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định về chế độ hưu trí đối với lực lượng quân đội như sau: Đối với nam là 20 năm, nữ là 15 năm đóng BHXH, thì được hưởng 45 %, từ năm thứ 21 đối với nam và năm thứ 16 đối với nữ, mỗi năm được hưởng thêm 3 % đến tối đa là 75 %. Trường hợp không quy định cụ thể như trên, thì dự thảo Luật, cần quy định nguyên tắc tại điều 70 về cách tính mức lương hưu hàng tháng đặc thù cho quân đội và giao cho chính phủ quy định chi tiết, vì đại biểu cho rằng: Theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, thì hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan cấp úy là 46 tuổi, cấp thiếu tá là 48 tuổi, cấp trung tá là 51 tuổi, cấp úy quân nhân chuyên nghiệp là 52 tuổi; khi hết tuổi phục vụ, nhóm đối tượng này nếu không bố trí, điều chỉnh được nhiệm vụ, hoặc không điều động, bổ nhiệm được vào vị trí của trần quân hàm cao hơn thì phải nghỉ chế độ hưu để tuyển chọn, bổ sung lực lượng mới thay thế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Mặt khác, từ tính chất đặc thù của hoạt động quân sự, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, các đối tượng phục vụ trong quân đội cần đáp ứng yêu cầu cao cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và yêu cầu khắt khe về tuổi đời, sức khỏe, thời gian phục vụ trong quân đội thường ngắn hơn so với lực lượng lao động khác, tuyển dụng khó khăn hơn - điển hình là các nhóm đối tượng thực hiện nhiệm vụ ở một số chuyên ngành, lĩnh vực đặc thù như Hải quân, phòng không không quân, lực lượng tàu ngầm, hóa học, tăng thiết giáp, ra đa, đặc công. Có những lĩnh vực chỉ sử dụng được đến không quá 45 tuổi.
Theo đại biểu, nếu theo quy định Điều 70 dự thảo Luật BHXH sửa đổi, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75 % thì nam phải có đủ 35 năm công tác đóng BHXH, và nữ phải đủ 30 năm công tác đóng BHXH. Do vậy nhóm đối tượng đặc thù trong quân đội khi nghỉ hưu sẽ có mức lương hưu thấp không đạt được mức tối đa lương hưu 75 %. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu của các đối tượng nêu này, nên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc cụ thể.
Về chế độ tử tuất, đại biểu Đỗ Văn Yên cho biết điểm a, khoản 1, Điều 88 Dự thảo Luật quy định: “Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản Điều 3 của Luật này có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên” khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng.
Theo đại biểu về quy định này, thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ 12 tháng, nếu không may bị chết thì thân nhân sẽ không được hưởng trợ cấp mai táng.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cho đối tượng đang tham gia bảo hiểm xã hội không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng không may bị chết thì thân nhân được hưởng chính sách này.
Đại biểu Yên cho rằng: Việc quy định theo hướng này sẽ thể hiện tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc đóng hưởng và có chia sẻ; tạo động lực và khuyến khích người lao động tham gia vào thị trường lao động, đóng bảo hiểm xã hội và bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Mặt khác, nếu quy định như dự thảo thì người lao động nói chung và đối tượng quân nhân nói riêng, mà chủ yếu tập trung vào đối tượng là hạ sĩ quan binh sĩ, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 12 tháng, không may bị chết, từ trần hoặc liệt sĩ mà không thuộc đối tượng chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 88 thì thân nhân không được hưởng chế độ.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)