Ký ức không thể quên, nghĩa tình không bao giờ cạn
Trong bản hoà ca của đất trời và lòng người giữa những ngày đầu xuân 2024, chương trình Những ký ức truyền lửa với chủ đề Đầu súng trăng treo là cuộc hội ngộ đầy xúc động của những người hoạt động kháng chiến ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước 30/4/1975…
Tiết mục "Hát mãi khúc quân hành" do NSND Tạ Minh Tâm, ca sĩ Hoàng Việt và nhóm FM biểu diễn. |
Những ký ức truyền lửa
Hơn 500 đại biểu tham dự chương trình đã cùng hòa vào miền ký ức của những người từng tham gia kháng chiến tại Bà Rịa-Vũng Tàu trước 30/4/1975.
Đó là câu chuyện về cuộc chiến trong ngục tù của bà Trần Thị Hoài Tuyết (còn gọi là Năm Tuyết), nguyên cán bộ Đoàn thể xã Hòa Long, huyện Châu Đức lúc bấy giờ. Trong thời gian từ năm 1962-1968, cô gái trẻ mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đã 3 lần bị địch bắt giam, tra tấn dã man. Bà Năm Tuyết được mệnh danh là “Võ Thị Sáu thứ hai” bởi sự kiên cường, bất khuất.
Đó còn là câu chuyện gỡ 300 trái lựu đạn ở ấp chiến lược Hòa Long-Long Phước, nhổ trụ sắt, mở lối cho dân ra vào ấp chiến lược dễ dàng của ông Thái Văn Dũng, nguyên Giám đốc Sở VH-TT (nguyên là cán bộ Khu đoàn miền Đông). Câu chuyện của ông Nguyễn Trọng Minh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về chuyện dịch mật mã phục vụ chiến trường, những thách thức và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Lãnh đạo tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ tham dự chương trình. |
Trong miền ký ức ấy còn có đêm tân hôn thời chiến và bài thơ gửi con gái khi ở chiến trường của ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và bà Phạm Thị Sơn, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Tiểu ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6. Cùng với đó là kỷ niệm ở trong hầm bị bom địch truy sát mà vẫn hát vọng cổ của ông Nguyễn Văn Nhân, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo dõi chương trình, nhiều người không cầm được nước mắt. Ông Thái Văn Dũng nghẹn ngào: “Được gặp mặt các đồng chí, đồng đội cũ ở tuổi xế chiều, tôi thực sự cảm động. Hy vọng chương trình sẽ giúp cho thế hệ trẻ hình dung về những ngày chiến tranh gian khó nhưng đầy tự hào của thế hệ đi trước. Từ đó sẽ truyền lửa cho thế hệ sau phấn đấu bước tiếp truyền thống cha anh, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Chương trình diễn ra vào chiều 16/1, do Ban Vận động thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30/4/1975 tổ chức, theo nguyện vọng của số đông những người tham gia kháng chiến. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu có gần 2.000 người thoát ly hẳn để tham gia kháng chiến. Ban vận động đang gấp rút hoàn thiện thủ tục thành lâp hội. |
Thiêng liêng sứ mệnh kết nối và truyền lửa
Không chỉ khơi dòng cảm xúc với những ký ức không thể nào quên, những nghĩa tình không bao giờ cạn, “Những ký ức truyền lửa” cũng là dịp để ra mắt Ban Vận động thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30/4/1975.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng Ban Vận động thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30/4/1975, xúc động chia sẻ: “Trở về từ chiến trường với mỗi người đã là niềm hạnh phúc. Bởi trong tâm thế sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, không ai nghĩ mình có thể trở về. Được trở về, được gặp lại nhau, cảm xúc luôn đong đầy là vậy. Cuộc hội ngộ hôm nay còn mang ý nghĩa lớn lao: đồng đội ở nhiều mặt trận, vị trí, giai đoạn trên chiến trường Bà Rịa-Vũng Tàu có cơ hội gặp mặt. Niềm vui-hạnh phúc nào hơn, mong mỏi nào hơn. Đây cũng là lý do thôi thúc việc thành lập Ban Vận động thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30/4/1975”.
Thấu hiểu sâu sắc mối gắn kết đồng chí-đồng đội, Ban Vận động Hội đang nỗ lực thúc đẩy nhanh thủ tục thành lập Hội hỗ trợ, để những người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa-Vũng Tàu trước 30/4/1975 có thêm cơ hội chia sẻ, hỗ trợ. Bởi “thêm niềm vui-niềm hạnh phúc cho nhau là thêm bù đắp cho những hy sinh, mất mát”.
Đại biểu tham dự chương trình "Những ký ức truyền lửa". |
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Hội còn hướng đến mục đích quan trọng, đó là: truyền tải ký ức. “Thế hệ hôm nay đã có những bài học lịch sử trong nhà trường, qua sách báo, phim ảnh. Nhưng chắc chắn không có bài học nào truyền tải sát thực, sống động, sâu sắc bằng chính những chứng nhân lịch sử. Truyền tải ký ức không chỉ là nhắc nhớ về công lao mà là trách nhiệm chuyển giao, giáo dục-bồi đắp cho thế hệ sinh ra sau chiến tranh về tình yêu quê hương đất nước, yêu con người, ý thức về giá trị hòa bình, độc lập, về trách nhiệm với sự nghiệp ông cha”, ông Nhân nhấn mạnh.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông khẳng định: “Đền ơn đáp nghĩa là dòng chảy vô tận. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu luôn nỗ lực để tri ân những cống hiến, đóng góp của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ đồng hành tiếp sức cho mối gắn kết hỗ trợ nhau giữa đồng chí, đồng đội càng thêm trọn vẹn…”.
Bài, ảnh: MAI CHI