Tháng 2/1934, 4 năm sau khi Đảng ta ra đời, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập, đánh dấu bước ngoặt của phong trào đấu tranh tại địa phương.
Cờ Đảng và cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Chóp Mao, núi Minh Đạm (núi Kỳ Vân xưa) - nơi cách đây hơn 90 năm, ông Hồ Tri Tân, người thành lập Chi bộ đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, treo cờ búa liềm vào đêm 13, rạng sáng 14/7/1933. Ảnh: NHẬT LINH |
Cờ búa liềm trên đỉnh Kỳ Vân
Là cửa ngõ trên con đường giao thông thủy bộ từ Bắc vào Nam, trong những năm đầu thế kỷ 20, vùng Long Điền, Đất Đỏ là nơi nhiều chiến sĩ cách mạng hoạt động. Trong số đó, có Hồ Tri Tân (1908 - 1978) - người mà tên tuổi sau này đã gắn liền với lịch sử của Đảng bộ tỉnh - là người tiên phong xây dựng tổ chức cách mạng tại địa phương, tiến tới thành lập chi bộ đầu tiên ở Phước Hải.
Hồ Tri Tân tham gia cách mạng từ năm 1929, là đảng viên phụ trách giao liên của Tỉnh ủy Quảng Trị. Khi thực dân Pháp tiến hành “khủng bố trắng” sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trên 500 cán bộ đảng viên và quần chúng ở Quảng Trị bị bắt. Các đảng viên phải chuyển vùng, tránh khủng bố.
Trong hồi ký của mình, ông Hồ Tri Tân kể lại: Năm 1930, để tránh bị phát hiện, ông lên tàu đi vào Bà Rịa làm thợ mộc, rồi định cư ở Phước Hải. Ông mang theo thùng đồ nghề được chia làm 2 đáy. Đáy dưới để cất giấu những tài liệu bí mật như: Công tác bí mật, Điều lệ công hội đỏ và một tờ truyền đơn nói về hợp nhất 3 tổ chức đảng. Trong cuốn sách Công tác bí mật có viết “Nếu ta đứt mối liên lạc với Đảng, ta cứ hoạt động gây phong trào cách mạng thì Đảng sẽ tìm đến ta”.
Sau này, vận dụng vào hoàn cảnh thực tế, Hồ Tri Tân đã lập nhóm 3 người có tên là “Châu Viên kết nghĩa” hoạt động đấu tranh. Dấu ấn đậm nét của Châu Viên kết nghĩa là tổ chức cuộc rải truyền đơn, treo cờ búa liềm tại Bà Rịa và trên đỉnh núi Kỳ Vân (núi Minh Đạm ngày nay) vào ngày 14/7/1933 (ngày Quốc khánh Pháp). Cuộc rải truyền đơn thành công, phá được cuộc vui chơi của bọn quan lại.
Cờ đỏ búa liềm và truyền đơn cách mạng là lời hiệu triệu của Đảng lần đầu tiên đến với Nhân dân Bà Rịa nói chung và Phước Hải nói riêng. Sự kiện cờ đỏ búa liềm bay trên đỉnh Kỳ Vân và truyền đơn cách mạng của nhóm Châu Viên kết nghĩa đã tạo ảnh hưởng lớn trong Nhân dân, thức tỉnh lòng yêu nước theo ngọn cờ của Đảng Cộng sản. Đó cũng là cách để nhóm bắt liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ.
Chi bộ ra đời
Tháng 10/1933, đảng viên Phạm Ngọc Cừ ở Năm Căn, cùng em rể là Trần Văn Long (cũng là đảng viên) đã liên lạc với Hồ Tri Tân, theo về Phước Hải. Cả 3 sau đó tham gia nhóm nghiên cứu Phật giáo. Nhóm hoạt động công khai, vận động tăng ni phật tử theo chánh đạo, chống tà thuyết, đồng thời là tấm bình phong hữu hiệu để Hồ Tri Tân, Phạm Ngọc Cừ, Nguyễn Văn Long bí mật hoạt động cách mạng.
Sau một thời gian hoạt động và hiểu rõ về nhau, Hồ Tri Tân cùng Phạm Ngọc Cừ, Nguyễn Văn Long đã họp tại ấp Hải Trung, xã Phước Hải vào tháng 2/1934. Căn nhà nơi nhóm họp là của ông Trần Bá Thiên - thành viên của nhóm Châu Viên kết nghĩa và nhóm Nghiên cứu Phật giáo. Trần Bá Thiên là một trong những thành viên tích cực vận động, tuyên truyền Nhân dân tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương.
Tại cuộc họp, 3 người đã tuyên bố thành lập chi bộ gồm 3 đảng viên: Phạm Ngọc Cừ (bí thư), Nguyễn Văn Long, Hồ Tri Tân và phân công nhiệm vụ phát triển cơ sở đối với từng đảng viên: Ông Nguyễn Văn Long phụ trách vận động quần chúng và phát triển cơ sở trên địa bàn lộ 15, tham gia Hội Phật học, thâm nhập phái Tịnh độ Cư sỹ, dựa vào triết lý Phật giáo để vạch rõ những bất công trong xã hội mà nguồn gốc từ chế độ cai trị của thực dân Pháp xâm lược câu kết với bọn phong kiến phản động.
Đêm lịch sử trên đỉnh Kỳ Vân
“Đêm 13/7/1933 tôi và anh Trương Xứng (thợ may) mang lá cờ đỏ búa liềm (4m x 6m) đi theo sườn núi ít dốc lên đỉnh núi Kỳ Vân ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Đi từ 8 giờ tối vừa đi vừa dò đường mãi 1 giờ sáng 14/7/1933 mới thấy đỉnh, thấy có chiếc bồ tre trên cọc sắt do lục lộ treo để đo đạc. Tôi leo lên cọc cao khoảng 3m hất chiếc bồ xuống, cùng anh Xứng hì hục treo cờ lên. Ở đỉnh cao, gió mạnh cờ bay phần phật. Hai anh em mừng rỡ vội tụt xuống núi bằng con đường khác, núi dốc đứng hơn về đến xưởng trước khi trời sáng...”.
(Trích Hồi ký của ông Hồ Tri Tân)
|
Ông Phạm Ngọc Cừ phụ trách khu vực lộ 2, vận động công nhân cao su và nông dân vùng Tứ Long. Ông Hồ Tri Tân vận động giới thợ mộc, thợ hồ, quần chúng lao động và buôn bán ở Long Điền, Đất Đỏ. Sau khi thành lập, chi bộ phát triển thêm 2 đảng viên mới là Phạm Thị Vân và Hồ Thị Trinh.
Chi bộ Đảng ở Phước Hải ra đời là một bước ngoặt lịch sử, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển của phong trào cách mạng, không chỉ đối với Phước Hải mà ảnh hưởng lớn lao trong cả vùng Long Điền, Đất Đỏ cũng như địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Từ khi Chi bộ đầu tiên ra đời, tổ chức đảng ở địa phương từng bước lớn mạnh, giương cao ngọn cờ đấu tranh, tập hợp quần chúng, đưa Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hòa chung nhịp bước của phong trào cách mạng cả nước, đi đến bến bờ của độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
(còn nữa)
NHÓM PV CHÍNH TRỊ