Ngày 2/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 17 (dự kiến khai mạc sáng 7/12), HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, tuyên truyền hiệu quả mới thay đổi nhận thức của HS trong định hướng nghề nghiệp. |
Phát triển kinh tế đêm
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, số lượng vốn đầu tư công năm 2023 cần giải ngân lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, việc giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện quyết liệt. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân đạt cao. Tỉnh đã tiến hành rà soát 74 dự án chậm triển khai và quyết định chấm dứt 5 dự án. Các điểm nghẽn về đầu tư công được tháo gỡ kịp thời.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2024, dự kiến giải ngân khoảng 19 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công. Tổng nguồn vốn giải ngân rất lớn, đòi hỏi các địa phương phải triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng. Bảo đảm bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ cho các dự án.
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn, ông Nguyễn Công Danh, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ nêu thực trạng, hiện nay, việc phê duyệt đồ án quy hoạch, đồ án quy hoạch xây dựng tại các địa phương chưa đạt tiến độ, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Về phát triển du lịch, ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng cần đẩy mạnh phát triển “kinh tế đêm”, tạo sức hấp dẫn cho du khách. Theo ông Hải, kinh tế đêm là khái niệm rộng hơn việc phát triển chợ đêm. Kinh tế đêm gắn với văn hóa, sản phẩm và tiềm năng và thực tế của địa phương. Ở TP. Vũng Tàu không nên phát triển kinh tế đêm ở khu vực Bãi Sau mà nên ở Bãi Trước gắn với khu vực xung quanh đường Bacu, Hoàng Diệu, Công viên Trưng Vương…
Thêm vào đó, ban đêm, người dân và du khách thường tập trung ở Bãi Trước. Từ đó định hướng cho người kinh doanh, buôn bán loại sản phẩm đặc trưng theo từng khu vực, hỗ trợ hộ dân có nhà ở khu vực đó sửa sang mặt bằng để kinh doanh, buôn bán nếu có yêu cầu. Đồng thời chính quyền phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí bãi đậu xe phục vụ người dân, du khách. “Địa phương cần tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế đêm”, ông Phạm Ngọc Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Phạm Ngọc Hải, khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành đi vào khai thác vào năm 2025, 2026 sẽ khơi thông hạ tầng giao thông kết nối. Dự báo trong năm 2024, có nhiều DN vào đầu tư trong đó có đầu tư về du lịch. Tỉnh cần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tiến độ hoàn thành các thủ tục liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cho nhà đầu tư, để đón đầu cơ hội.
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch phải có kinh tế đêm. |
Hướng nghiệp cho HS đang như “cưỡi ngựa xem hoa”
Về công tác hướng nghiệp cho HS, ông Bùi Chí Tình, Phó Giám đốc Sở Y tế mang đến phiên thảo luận một câu chuyện từ thực tế: “Con tôi học lớp 9, vừa rồi cháu có xin tham gia hướng nghiệp vào các trường nghề. Tuy nhiên, cháu cho rằng hiệu quả mang đến không có nhiều giá trị”, ông Tình kể.
Ông Bùi Chí Tình đề nghị việc hướng nghiệp cần chọn lọc đúng đối tượng tham gia, xác định đúng những HS có nhu cầu và quan tâm đến việc học nghề thực sự.
Đồng tình với quan điểm này, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc tổ chức tham quan trường nghề phải bảo đảm chiều sâu, không phải “cưỡi ngựa xem hoa” để thay đổi nhận thức, hành vi. Vì vậy, công tác tuyên truyền đặc biệt quan trọng, thay đổi nhận thức của HS trong định hướng nghề nghiệp.
Về phân luồng HS sau THCS vào trường nghề, ông Mai Ngọc Thuận chỉ rõ, một trong những nguyên nhân phân luồng HS chưa đạt là chưa thông về tư tưởng, nhận thức. “Trong đó, phải xác định mục tiêu phân luồng để HS vào trường nghề để đào tạo đội ngũ tay nghề chất lượng cao cho tỉnh. Để làm việc này, trách nhiệm thuộc về cả hệ thống chính trị, không chỉ riêng ngành giáo dục”, ông Mai Ngọc Thuận nhấn mạnh.
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị Sở Y tế sớm đấu thầu thuốc để không bị thiếu thuốc trong giai đoạn đến năm 2025. |
Khẩn trương giải quyết tình trạng thiếu thuốc
Thảo luận về y tế, bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho hay tình trạng thiếu thuốc khi khám chữa bệnh bằng BHYT và vắc xin cho trẻ em vẫn đang xảy ra. Vấn đề này gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo bà Trúc, nguyên nhân là do khâu đấu thầu thuốc. Cuối năm 2022, Sở Y tế đã làm thủ tục đấu thầu hơn 1.300 mặt hàng thuốc. Tuy nhiên đến tháng 3/2023 Bộ Y tế sửa đổi quy trình đấu thầu, dẫn đến các cơ sở y tế phải rà soát lại thủ tục, quy trình dẫn đến chậm tiến độ.
“Tình trạng thiếu thuốc được cử tri phản ánh rất nhiều. Đây cũng là nhu cầu cấp thiết của người dân. Vì vậy, Sở Y tế cần sớm đấu thầu thuốc để không bị thiếu thuốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025”, bà Võ Ngọc Thanh Trúc đề nghị.
Cùng quan điểm, ông Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh cho rằng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây nhiều khó khăn cho người dân trong khám, chữa bệnh. Đặc biệt, đối với hộ nghèo, hộ khó khăn. Đây là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, sinh mạng của người dân nên ngành y tế cần có giải pháp cụ thể khắc phục khó khăn, chấm dứt hẳn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
NHÓM PV THỜI SỰ - CHINH TRỊ