Cần chế tài đối với vi phạm trong xác định giá khởi điểm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: Q.H |
Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm các bên liên quan
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm trong mối quan hệ chặt chẽ với các quy định pháp luật khác về quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công...
Đại biểu cho rằng, hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, tuy đã được quy định trong luật hiện hành, nhưng thực tế còn ít được sử dụng so với các hình thức khác. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá.
“Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung quy định hạn chế tình trạng bỏ cọc, ngăn ngừa phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cũng đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này. Đại biểu cho rằng, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang phổ biến.
Trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5, Điều 9 về hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ”... Nhiều trường hợp “dựa hoàn toàn” vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc; hoặc trúng đấu giá xong, triển khai dự án trì trệ.
“Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính của người tham gia đấu giá”, đại biểu Trần Văn Khải nêu.
Trong chương trình làm việc ngày 28/11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. |
Thay đổi thông tin phải được sự đồng ý của người đấu giá tài sản
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, dự thảo luật sửa đổi Điều 39 của luật hiện hành về tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước. Theo đó, luật chỉ quy định, trường hợp có sự thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết thông báo công khai, thì người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia, nhận lại tiền đặt trước.
Đối với các trường hợp thay đổi nội dung các cuộc đấu giá như: thay đổi quy chế đấu giá, thay đổi thời gian đấu giá chưa được luật Đấu giá tài sản quy định. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản quy định về nội dung thông báo công khai đấu giá tài sản, có quy định thời gian, địa điểm, cách thức đấu giá và nhiều nội dung công khai khác.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung sửa đổi khoản 3 Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản theo hướng: trường hợp có thay đổi các thông tin về nội dung thông báo công khai việc đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 57 phải được sự đồng ý của những người tham gia đấu giá tài sản đã đặt tiền từ trước.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi một số nội dung, điều khoản mà dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chưa có quy định, cụ thể là các vấn đề liên quan đến hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
NGỌC NGUYỄN