.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng: Cần công khai tất cả trình tự, thủ tục đấu giá tài sản

Cập nhật: 12:38, 28/11/2023 (GMT+7)

Sáng 28/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu) thảo luận tại hội trường đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết qua rà soát khoản 3 Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước chỉ quy định trường hợp có sự thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết, thông báo công khai thì người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia và nhận lại tiền đặt trước. Đối với các trường hợp thay đổi nội dung khác của cuộc đấu giá như: Thay đổi quy chế đấu giá; thay đổi thời gian đấu giá chưa được Luật Đấu giá tài sản quy định. Tuy nhiên tại khoản 4 Điều 57, Luật Đấu giá tài sản quy định về nội dung thông báo công khai đấu giá tài sản có quy định thời gian, địa điểm, cách thức đấu giá và nhiều nội dung công khai khác.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản nội dung: Trường hợp có thay đổi các thông tin về nội dung thông báo công khai việc đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 57 phải được sử đồng ý của những người tham gia đấu giá tài sản đã nộp tiền đặt trước. Trong trường hợp họ không đồng ý với sự thay đổi đó, thì được quyền lấy lại tiền đặt trước, vì hiện tại khoản 13, Điều 1 Dự án Luật chưa quy định việc sửa đổi này.

Bên cạnh đó, đại biểu phân tích các vấn đề còn bất cập, trong thực tiễn bán đấu giá tài sản; từ đó đề xuất Ban soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản, nội dung mà Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chưa có quy định, cụ thể:

Về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản được quy định tại Điều 33 của Luật Đấu giá tài sản, Đại biểu Hùng viện dẫn Khoản 1, Điều 33 của Luật quy định: “Người có tài sản đấu giá ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của Luật này”. Đại biểu nhận thấy việc điều luật quy định về hợp đồng dịch vụ như trên là chưa rõ, nên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung sửa đổi khoản 1 Điều 33 của Luật theo hướng cần quy định rõ hợp đồng đấu giá tài sản là gắn với 1 tài sản đấu giá hay một lần đấu giá. Hiện nay nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chưa quy định vấn đề này.

Về xem xét quy định công khai các nội dung quan trọng về đấu giá tài sản trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia, Đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định: Tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm… đều phải được gửi và đăng công khai trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Trường hợp thiếu bất kỳ thông tin nào, sẽ là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá; nhất là công bố thông tin đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.

Về xem xét bổ sung quy định về việc nhận uỷ quyền tham gia đấu giá tài sản, Đại biểu Hùng cho rằng để tránh việc thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể việc nhận ủy quyền tham gia đấu giá tài sản.

Về xem xét bổ sung quy định xử lý tài sản bán đấu giá không thành, đại biểu Hùng cho biết, tại Khoản 3, Điều 52 Luật Đấu giá Tài sản quy định: “Việc xử lý tài sản đấu giá không thành được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc đấu giá lại theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản”. Quy định này thì mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Song đại biểu dẫn chứng thực tế trong đời sống pháp lý, đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án dân sự, thì Khoản 5 Điều 104 của Luật Thi hành án dân sự cho phép sau mỗi lần bán đầu giá không thành, thì mỗi lần đấu giá sau sẽ được giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó. Trong khi đó, các loại tài sản khác lại không được áp dụng cơ chế này, mà vẫn phải đấu giá lại với giá khởi điểm giữ nguyên. Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản này kéo dài không hiệu quả.

Từ đó, đại biểu đề nghị đề nghị Ban soạn thảo khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn về việc giảm giá 10% của tài sản bán đấu giá để thi hành án, nếu phù hợp thì thể chế hoá vào dự án Luật (sửa đổi) cho phép áp dụng rộng rãi cho các loại tài sản khác như tài sản thi hành án.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

 

.
.
.