Đổi mới công tác lưu trữ trong tình hình mới
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: Q.H |
Thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết về sửa đổi Luật Lưu trữ đã được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ. Nhiều nội dung trong dự thảo luật đã thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác lưu trữ trong điều kiện mới, tập trung khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực hiện thi hành luật; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chủ trương về chính phủ số và xã hội số.
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) nhấn mạnh, lưu trữ là một trong những vấn đề hệ trọng. Chính tài liệu lưu trữ là tài sản quý, được trao truyền giữa các thế hệ, phản ánh một cách chính thống những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, thậm chí phản ánh trình độ phát triển, văn minh của một quốc gia, dân tộc.
Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ chính là sự thay đổi phương thức làm việc, chuyển công tác quản lý nhà nước về hoạt động lưu trữ lên môi trường số, dựa trên dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số đang có những hạn chế về nhận thức, nhân lực, kinh phí, hạ tầng, khung pháp lý. Các quy định của luật phải khắc phục được những bất cập này, cụ thể, cần có quy định về cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ số, hoạt động lưu trữ thực hiện trên môi trường điện tử, việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động lưu trữ.
Quy định cụ thể công tác lưu trữ cấp xã
Quan tâm đến các quy định lưu trữ tại UBND cấp xã, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, qua tìm hiểu thực tế tại địa phương cho thấy, thực trạng công tác lưu trữ cấp xã hiện nay có nhiều bất cập, nhiều nơi tài liệu lưu trữ xếp tất cả vào một góc, không bảo quản theo quy định, không có kinh phí cho việc chỉnh lý.
Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị, dự thảo luật quan tâm hơn đến công tác lưu trữ cấp xã, nên có một bộ phận lưu trữ ở cấp huyện để lưu trữ tài liệu của cấp xã, có thể không thành lập một bộ phận chuyên trách, nhưng giao cho Văn phòng UBND huyện tổ chức lưu trữ đối với các tài liệu lưu trữ thuộc diện lưu trữ mang tính chất lịch sử và những tài liệu lưu trữ liên quan đến công dân từ cấp xã chuyển lên cấp huyện.
Về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, đại biểu đề nghị cần có những bước đi phù hợp với khả năng về nguồn lực, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt, đối với tài liệu lưu trữ mang tính lịch sử bảo quản vĩnh viễn, mà sản sinh ra bằng số, thì in ra, sau đó xác thực của cơ quan lưu trữ và đưa vào kho. Như vậy sẽ vừa bảo đảm tính bảo quản vĩnh viễn tài liệu lưu trữ lịch sử, vừa bảo đảm sự tiếp nhận của người dân trong việc khai thác giá trị tài liệu lưu trữ.
Trong chương trình làm việc ngày 27/11, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Căn cước và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). |
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung, làm rõ lưu trữ lịch sử gồm những cấp nào và cơ quan nào có thẩm quyền thành lập, lưu trữ lịch sử khẩn cấp.
Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ các loại tài liệu đã quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 thuộc UBND tỉnh quản lý lưu trữ và UBND xã quản lý lưu trữ để thống nhất thực hiện trong thực tiễn. Mặt khác, thực tiễn hiện nay, UBND cấp huyện vẫn có kho lưu trữ. Tuy nhiên, trong điều luật chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý, lưu trữ đối với UBND cấp tỉnh và cấp xã, không đề cập đến cấp huyện. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp huyện.
NGỌC NGUYỄN