KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Quyết liệt tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong đầu tư công

Thứ Ba, 31/10/2023, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: CHÂU VŨ

Gỡ khó trong triển khai dự án giao thông

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đề xuất một số giải pháp. Trong đó, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án. Việc công bố giá vật liệu xây dựng cần phải kịp thời sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm.

Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cũng cho biết, nhiều dự án còn vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, vướng mắc trong quá trình thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư 25 của Bộ NN-PTNT. Có không ít dự án gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường còn chồng chéo… Đại biểu đề nghị cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để có thể triển khai hiệu quả các dự án, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương.

Cần làm rõ hành vi thao túng, làm giá thị trường bất động sản
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị xem xét, bổ sung hành vi bị cấm là các hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân đối với dự án bất động sản chưa đủ điều kiện về pháp lý.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị, cần tiếp tục quy định và làm rõ hành vi thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản. Đại biểu cho rằng, hành vi thao túng thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao, tạo “bong bóng”, “giá trên trời” so với thực tế, gây nguy hiểm không kém thao túng trong thị trường chứng khoán.

 

Đầu tư và vận hành kho dự trữ lúa gạo ở các vùng miền

Về phát triển nông nghiệp, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiếp tục khuyến khích nhà khoa học nông nghiệp chuyển gen công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo, phát triển giống cây trồng mới cho năng suất cao, chịu hạn, chống sâu bệnh.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm đầu tư và vận hành hệ thống kho dự trữ lúa gạo với đầy đủ trang thiết bị đặt tại ba vùng trồng lúa tập trung của cả nước để đảm bảo chất lượng lúa gạo sau thu hoạch. Chính phủ cần có chính sách trợ giá để bình ổn giá lúa gạo cho nông dân, giá thu mua cần tính đủ các mức chi phí thành phần, đảm bảo nông dân có lãi trên 30%.

Sớm ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề

Quan tâm đến ngư dân, đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ sớm ban hành các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề theo định hướng cắt giảm tàu, chuyển đổi các nghề xâm hại sang các nghề thân thiện với môi trường. Đảm bảo khai thác phù hợp với khả năng phục hồi nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 2 của Quyết định số 208/QĐ-TTg.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho chủ tàu gặp khó khăn, có cam kết không vi phạm IUU nhằm chia sẻ khó khăn cho các chủ tàu trong thời gian chờ ban hành và áp dụng chính sách chuyển đổi nghề khai thác sang nghề khác.

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

NGỌC NGUYỄN

 
;
.