Ngày 6/10, tại thành phố Hạ Long, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 10. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội nghị.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thông tin tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Tại hội nghị, các báo cáo viên đã thông tin tình hình địa phương; chuyên đề quy hoạch không gian biển Việt Nam; Chính sách đối ngoại.
Thông tin tại Hội nghị, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, là một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên tất cả lĩnh vực. Bảy năm liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững: khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 5,2% trong cơ cấu kinh tế; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động bình quân tăng từ 309 triệu đồng/người năm 2020 lên 458,5 triệu đồng/người năm 2023...
Quảng Ninh quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững... Tỉnh thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tập trung vốn cho các công trình động lực phát huy vai trò dẫn dắt, vốn mồi của nguồn lực nhà nước, huy động tối đa nguồn lực xã hội.
9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 9,88%, đứng thứ 4 cả nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Quảng Ninh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 53.062 tỷ đồng. Tỉnh hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng của cả giai đoạn 2020 - 2025 về phát triển văn hóa - xã hội, con người gắn với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân thông tin chuyên đề về quy hoạch không gian Biển đảo Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Thông tin về chuyên đề quy hoạch không gian biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã báo cáo về 9 chuyên đề chính gồm: Vai trò, vị trí của quy hoạch không gian biển quốc gia; cách tiếp cận và phương án lập quy hoạch không gian biển; cơ sở lập quy hoạch không gian biển; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết; quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của quy hoạch; định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và vùng ven biển, đảo; phân vùng chức năng và phân vùng sử dụng không gian biển; giải pháp và danh mục dự án... Thứ trưởng nhấn mạnh, quy hoạch không gian biển có ý nghĩa quan trong đối với các quốc gia có biển; là công cụ quan trọng để cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia; có ý nghĩa là loại quy hoạch đa ngành, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam; mang tính tổng hợp, được lập theo cách tiếp cận không gian, nhằm phân bổ, sắp xếp không gian biển cho các ngành, lĩnh vực hoạt động, thông tin, dữ liệu đầu vào cho việc lập quy hoạch phức tạp, mang tính tổng hợp và đa ngành.
Lập quy hoạch không gian biển có ý nghĩa hướng tới mục tiêu toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo và hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Lê Đình Tĩnh thông tin về chính sách đối ngoại và kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Kết luận Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị các báo cáo viên tập trung tuyên truyền, trong đó làm nổi bật một số kết quả về phát triển kinh tế; công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược… Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về quan hệ giữa Việt Nam và các nước đối tác chủ chốt (Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba), cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
ANH ĐỨC (tổng hợp)