Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đạt nhiều kết quả thiết thực
Sáng 8/9, Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở do ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Tham dự buổi làm việc có bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh; ông Huỳnh Văn Danh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh; ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh; ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Danh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh trình bày báo cáo tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Danh cho biết, giai đoạn 2021 đến tháng 6/2023, việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả thiết thực và đi vào nề nếp. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, góp phần mở rộng, phát huy dân chủ tại các loại hình cơ sở; cụ thể hóa các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào thực tiễn đời sống.
Việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực. Trong ảnh: Lãnh đạo TP.Vũng Tàu đi thực địa và lắng nghe ý kiến người dân có đất bị thu hồi tại khu vực thực hiện dự án Khu tái định cư 10ha phường 10. |
Về giải quyết thủ tục hành chính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 2 triệu hồ sơ. Trong đó, hồ sơ đã giải quyết đúng hẹn, trước hẹn đạt 98,7%, hồ sơ trễ hẹn chiếm 1,3% đều có thư xin lỗi theo quy định. Toàn tỉnh đã tiếp 9.871 lượt công dân; cấp tỉnh và cấp huyện thụ lý 2.799 đơn khiếu nại, có 2.546 đơn đến hạn, đã giải quyết 2.477/2.546 (đạt 97,28%); đã thụ lý 152 đơn tố cáo, có 141 đơn đến hạn, đã giải quyết 138/141 (đạt 97,82%).
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 560 cuộc giám sát, đưa ra 1.781 ý kiến, kiến nghị trong đó số kiến nghị được các cơ quan phản hồi sau kiến nghị là 1.571; xây dựng 377 nội dung phản biện, đưa ra 1.988 kiến nghị, trong đó số kiến nghị được các cơ quan phản hồi là 1.822.
Mô hình "Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói" được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai, trở thành cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền và người dân. |
Ban Chỉ đạo QCDC các cấp đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, sơ tổng kết và biểu dương khen thưởng. Hoạt động của BCĐ và các Tổ công tác được duy trì và nâng cao chất lượng, đã góp phần triển khai, thực hiện có hiệu quả QCDC đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, hạn chế tối đa những hành vi vi phạm dân chủ, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Toàn tỉnh đã tổ chức 189 cuộc thanh tra hành chính, 886 cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với 20.801 cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, thanh tra đã ban hành các thông báo kết luận theo quy định; xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm.
Việc thực hiện QCDC tại các doanh nghiệp cũng được chú trọng thực hiện. Trong ảnh: Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ đoàn viên công đoàn của công ty có hoàn cảnh khó khăn. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Huỳnh Văn Danh cũng nêu lên một số hạn chế trong thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh. Đơn cử như hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại một số địa phương, cơ sở hiệu quả đạt được chưa cao, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Việc thực hiện QCDC tại doanh nghiệp, nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn. Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức có lúc chưa đảm bảo thời gian trên phiếu hẹn. Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập trung đông người, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng liên quan đến các dự án, công trình nhà đất và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vẫn còn xảy ra ở một số nơi.
Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở xem xét kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhằm tránh chồng chéo, xung đột giữa các văn bản, đảm bảo Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên cả nước.
Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Dân vận Trung ương kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, xây dựng các văn bản, quy định chi tiết, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến vấn đề "Dân thụ hưởng" để đảm bảo thực hiện dân chủ một cách toàn diện, thống nhất.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh, các thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá cao những kết quả trong việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Trong đó nổi bật là vai trò cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, gắn dân chủ cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác tiếp công dân, đối thoại của người đứng đầu, giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài, các mô hình sáng tạo như: “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, “Ngày thứ Năm không chờ” đạt hiệu quả tích cực; tỷ lệ hòa giải cơ sở cao vượt bậc so với tỷ lệ chung của cả nước.
Đoàn cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh chia sẻ kinh nghiệm và làm rõ thêm một số vấn đề về thực trạng né tránh trách nhiệm của một số cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công tác giám sát chuyên đề, nắm bắt dư luận xã hội…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Dương Thanh Bình biểu dương những kết quả tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là từ 2021 đến nay; ghi nhận kiến nghị của tỉnh, huyện, cơ sở để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, kiến nghị bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết.
Ông Dương Thanh Bình cũng yêu cầu trong báo cáo, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh cần so sánh với giai đoạn trước để từ đó làm nổi bật kết quả cũng như sự phấn đấu, nỗ lực của tỉnh trong giai đoạn này. Cùng với đó là việc bổ sung thêm nhiệm vụ và phương pháp cụ thể của tỉnh trong giai đoạn tới, các mô hình tiêu biểu, bài học kinh nghiệm sát với thực tế địa phương, nguyên nhân khách quan, chủ quan của những kết quả đạt được và hạn chế.
Nhất trí cao với phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới, ông Dương Thanh Bình lưu ý, cần nhấn mạnh hơn nữa nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp bởi đây là sự bao trùm xuyên suốt trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiện toàn các ban chỉ đạo hiện có, rà soát và củng cố thêm các tổ chức Đảng, chính quyền. Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát; phát huy dân chủ trong đảng và các cơ quan chính quyền, tạo điều kiện cho người dân được nói lên tiếng nói của mình.
Không chỉ vậy, Ban Chỉ đạo của tỉnh cần tập trung tạo chuyển biến trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong DN; làm tốt hơn vai trò tiếp công dân của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, kịp thời đối thoại với nhân dân.
“Việc thực hiện dân chủ cơ sở là nhiệm vụ, công việc thường xuyên và liên tục. Do đó, cần không ngừng cập nhật nội dung, hình thức mới, sơ kết, tổng kết, kiểm điểm rút kinh nghiệm, phổ biến lan tỏa các điển hình, khen thưởng, phê bình thực chất để việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng đạt kết quả tốt hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
BẢO KHÁNH-KHÁNH CHI