.
CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 25 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Nhìn nhận, đánh giá các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực

Cập nhật: 19:05, 15/08/2023 (GMT+7)

Ngày 15/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nâng cao hiệu quả đấu giá tài sản, giám định tư pháp

Trong phiên buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các ĐBQH nêu 26 câu hỏi chất vấn và 7 câu hỏi tranh luận đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về những nhóm vấn đề về tư pháp.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nêu rõ, công tác đấu giá tài sản, nhất là tài sản công còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận tham gia đấu giá khó khăn, tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có tình trạng trong thi hành án dân sự, tuy đã được thực hiện đấu giá, nhưng chưa giao được. Số liệu thống kê cho thấy, từ 1/10/2022 - 31/7/2023, trong thi hành án dân sự có gần 2.000 vụ đấu giá, trong đó mới chỉ giao được hơn 1.300, còn hơn 600 vụ chưa giao được.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng, đấu giá tài sản và thi hành án dân sự chỉ là 2 lĩnh vực pháp luật được áp dụng quy định về giao tài sản đấu giá. Còn có các quy định liên quan đến đất đai, quản lý tài sản công… nên hai lĩnh vực này là chưa đủ, mà phải tính đến quy định pháp luật trong lĩnh vực khác.

Một nguyên nhân khác, qua các vụ việc cụ thể, Bộ trưởng cho rằng, có những vụ bán đấu giá đến 6 lần nhưng không ai mua, do nhiều yếu tố khác nhau: thẩm định ngân hàng đánh giá văn phòng, mảnh đất, cơ sở sản xuất có sát giá không… Thực tế, tình hình kinh tế - xã hội cả nước trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng. Trình tự thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự. Bộ cũng đã kiến nghị sửa đổi Luật Đấu giá tài sản và Luật Thi hành án dân sự.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, về lâu dài cần sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự, đưa vào một số nội dung có liên quan, các quy định cụ thể để xử lý vấn đề này. Cùng với đó, cần cố gắng vận hành tốt cơ chế cơ quan Ban Chỉ đạo thi hành án ở các cấp, tạo sự đồng thuận.

Tại phiên chất vấn, đại biểu cũng chất vấn người đứng đầu ngành Tư pháp về việc còn không ít vụ án tham nhũng chậm bị xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động giám định tư pháp chưa được quan tâm; còn tâm lý né tránh, đùn đẩy; thời hạn giám định chưa hợp lý; chất lượng giám định chưa cao…

Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia

Tại phiên chất vấn chiều, các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn được các đại biểu quan tâm như: giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều DN không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...); việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo…

Các đại biểu cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT các vấn đề liên quan đến gỡ thẻ vàng IUU như: công tác tổ chức lập quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển còn lúng túng; các tàu đánh cá có công suất lớn không về cập cảng tại địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác thủy sản IUU; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản…

Bày tỏ thống nhất với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc “gỡ thẻ vàng” không chỉ là mục tiêu duy nhất mà quan trọng là cải thiện môi trường biển, tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, với thực trạng hiện nay, vì lợi ích kinh tế, vì mưu sinh, việc đánh bắt thủy hải sản hiện nay đã làm cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, môi trường biển bị ảnh hưởng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cùng với giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt trái phép, Bộ NN-PTNT có tính tới việc quy định đánh bắt hải sản theo mùa, theo đặc tính sinh sản, sinh trưởng của thủy hải sản như một số nước đã triển khai không hay chỉ là đề cộng đồng tự quản lý và bảo tồn biển theo vùng.

Về giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nêu rõ, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”. Nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân. Bộ trưởng khẳng định các điều kiện gỡ thẻ vàng khó nhưng vẫn phải làm. Bộ sẽ nghiên cứu lại những quy định bất cập để sửa đổi. Mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác. 

ĐÔNG HIẾU – THANH HẢI

.
.
.