"Mổ xẻ" nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công
Trong chương trình Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh, thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã "mổ xẻ" nguyên nhân và đề ra giải pháp thực hiện các vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công, chuyển đổi số và phân luồng HS lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết. |
Công chức còn e dè, sợ trách nhiệm
Là đại biểu đầu tiên tham gia chất vấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Lợi đặt vấn đề trong 6 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân 16 dự án bố trí vốn bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) rất thấp, chỉ đạt 4,57%. Bên cạnh đó, 74 dự án được kéo dài thời gian thực hiện và bố trí vốn giải ngân cũng chỉ đạt 20,07%. Trong đó, 22/58 dự án kéo dài trong năm 2023 vẫn đang thực hiện BTGPMB, tỷ lệ giải ngân đạt 18,48%. Riêng 16 dự án kéo dài đến năm 2024 có đến 14 dự án vướng BTGPMB, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 16,99%, tập trung ở TP.Vũng Tàu: 9/14 dự án. Điều này chứng tỏ công tác BTGPMB các dự án rất chậm và vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Ngọc Linh cho biết, tỷ lệ giải ngân 6 tháng năm 2023 của các dự án còn vướng BTGPMB đều thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh (thấp hơn 31,03%). Trong đó, vướng mắc trong công tác BTGPMB rất phức tạp do quy định thuộc lĩnh vực đất đai còn một số tồn tại hạn chế như: Xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các luật không thống nhất; xác định giá đất; thời gian thu hồi đất.
Ngoài ra, một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác GPMB gặp nhiều khó khăn như có sự chênh lệch giữa giá đất nhà nước thu hồi với giá đất khu vực xung quanh, dẫn đến người dân khiếu nại. Công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không xác định được nguồn gốc của các thửa đất bị thu hồi.
Bên cạnh đó, qua rà soát các dự án còn vướng BTGPMB nêu trên, nhận thấy vướng mắc gặp ở tất cả các khâu trong công tác BTGPMB từ đo đạc, kiểm kê tới chi trả và bàn giao ngoài thực địa. “Một trong những nguyên nhân chậm GPMB là cán bộ làm công tác này còn ngại, né, tâm lý e dè, sợ trách nhiệm khi áp dụng chính sách, chế độ để thực hiện BTGPMB cho người dân. Điều này dẫn đến người dân khiếu nại, kiện ra tòa án thì rất nhiều trường hợp thua kiện, phải thực hiện lại thủ tục từ đầu làm kéo dài thời gian thực hiện công tác BTGPMB.
"Mặt khác, trong công tác BTGPMB, mấu chốt là việc tái định cư và nhà ở xã hội. Trong khi đó, một số dự án chưa có đất tái định cư và nhà ở xã hội để bố trí cho người dân đủ điều kiện bố trí tái định cư, đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nên chưa thể thực hiện được các bước tiếp theo trong công tác BTGPMB. Đơn cử là dự án nạo vét kênh Bến Đình”, ông Lê Ngọc Linh nói.
Liên quan đến dự án nạo vét kênh Bến Đình, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu chia sẻ, thành phố đối mặt với khó khăn, đặt biệt là chưa có quỹ nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu về nơi ở cho các hộ dân. Do đó, thành phố kiến nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng khẩn trương phê duyệt giá tạm tính của dự án tái định cư phường Thắng Tam (TP.Vũng Tàu) đã hoàn thành để sắp xếp, bố trí chỗ ở cho người dân. Đối với những trường hợp mua nhà ở xã hội, thành phố kiến nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian tối đa 24 tháng để tạo điều kiện cho người dân di dời chỗ ở, ổn định cuộc sống trong khoảng thời gian chờ xem xét cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Lãnh đạo TP.Vũng Tàu cũng cam kết tháng 9/2023 là hạn cuối để hoàn thành công tác BTGTMB của dự án nạo vét kênh Bến Đình. Ông Hoàng Vũ Thảnh kiến nghị Sở TN-MT và Sở Xây dựng quan tâm, phối hợp cùng thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giá bồi thường, xác định diện tích đất tại thời điểm lập dự án.
ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Cần quyết tâm cao, giải pháp đột phá, hành động quyết liệt
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao và phản ánh sát với tình hiễn diễn biến thực tế đời sống, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và kiến nghị của cử tri, nhân dân trong tỉnh. Các nội dung hỏi và trả lời đều cụ thể, rõ ràng, ít có sự trùng lắp, thẳng thắn, mang tính xây dựng và làm rõ được vấn đề câu hỏi. Giám đốc Sở KH-ĐT, thành viên UBND tỉnh trả lời chất vấn đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng mà ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; đồng thời, đã trả lời thẳng thắn, không vòng vo hay né tránh những vấn đề khó, phức tạp. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải quyết tâm cao, giải pháp đột phá, hành động quyết liệt, cụ thể, sâu sát để khắc phục trong thời gian tới.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp đã kết thúc theo tinh thần rõ trách nhiệm, có giải pháp để đạt mục tiêu. Nhưng để chất vấn và trả lời chất vấn lần này thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết, lời hứa của UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh.
|
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Trong phiên chất vấn, công tác phân luồng, hướng nghiệp HS sau THCS và sau tốt nghiệp THPT tiếp tục được các đại biểu đặt ra. Đại biểu Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy băn khoăn: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 trường tổ chức đào tạo nghề dành cho HS tốt nghiệp THCS tập trung tại 4 huyện, thị, thành phố. Trong khi đó, ký túc xá tại 8 trường tổ chức đào tạo nghề trên có sức chứa tối đa 2.600 HS. Do đó, ký túc xá cũng không đủ đáp ứng nhu cầu cho hơn 6.300 HS không đủ điều kiện vào lớp 10 THPT công lập”.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT nêu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS như: Mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố. Chương trình đào tạo phong phú và gắn với nhu cầu sử dụng lao động để HS có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp năng lực, sở trường và nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.
Cùng với đó, cần tập trung đổi mới tổ chức dạy và học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về quản lý, nội quy cho phù hợp lứa tuổi để phụ huynh an tâm cũng như giáo dục cho học viên và tạo điều kiện nội trú cho học viên. Ngoài ra, cần có phương án hỗ trợ, chi phí học tập, phương tiện đi lại, đặc biệt từ các tuyến huyện vì HS vừa tốt nghiệp THCS chỉ 14, 15 tuổi nên việc đi lại còn phụ thuộc nhiều vào phụ huynh.
Về đội ngũ tư vấn và nội dung tuyên truyền, tư vấn trong giáo dục phổ thông, bà Châu cho rằng, theo Thông tư 16/1017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT thì chưa có vị trí cho GV hướng nghiệp trong trường phổ thông. Đội ngũ GV làm công tác hướng nghiệp là kiêm nhiệm.
Ngành GD-ĐT đã và đang triển khai thực hiện Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT ngày 23/5/2022 quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xây dựng chế độ, chính sách đối với đội ngũ làm công tác tư vấn hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục. Ngành cũng sẽ tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ này về chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp; phối hợp với cơ sở giáo dục ĐH bồi dưỡng cho tất các các trường hợp làm công tác hướng nghiệp trong trường học.
"Song song đó là việc đổi mới hình thức tổ chức ngày hội hướng nghiệp gắn với thực tiễn ngành nghề tại tỉnh, có những chuyên gia hướng nghiệp chuyên nghiệp, những nhà tâm lý chuyên nghiệp để tư vấn cho HS và phụ huynh”, Giám đốc Sở GD-ĐT nêu giải pháp.
Thông qua 3 nghị quyết quan trọng
Ngày 13/7, dưới sự chủ trì của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã xem xét, biểu quyết thông qua 3 nghị quyết quan trọng.
Cụ thể, với 100% đại biểu tán thành, Kỳ họp đã thông qua 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết giám sát “Phân cấp quản lý, cải cách thủ tục hành chính, việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”; Nghị quyết giám sát “Việc giải quyết các kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 HĐND tỉnh khóa VII đến đầu tháng 5/2023” và Nghị quyết giám sát “Tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 từ năm học 2019-2020 đến năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.
Trong chương trình, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo về 11 tờ trình của UBND tỉnh thuộc lĩnh vực pháp chế và báo cáo kết quả thẩm tra các tờ trình này. Cụ thể:
* Tờ trình số 115 ngày 16/6/2023 về dự thảo Nghị quyết quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
* Tờ trình số 106 ngày 14/6/2023 về dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
* Tờ trình số 125 ngày 19/6/2023 về dự thảo Nghị quyết quy định mức chi từ ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2030.
* Tờ trình số 102 ngày 09/6/2023 về dự thảo Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 29/2019 ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách, một số chức danh khác ở cấp xã và ở thôn, ấp, khu phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
* Tờ trình số 105 ngày 14/6/2023 về dự thảo Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 23/2017 ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh quy định mức thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
* Tờ trình số 130 ngày 19/6/2023 về dự thảo Nghị quyết bãi bỏ một phần Nghị quyết số 07/2013 ngày 18/7/2013 của HĐND tỉnh phê chuẩn việc thành lập Quỹ đầu tư phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu.
* Tờ trình số 123 ngày 19/6/2023 về dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023-2026.
* Tờ trình số 139 ngày 22/6/2023 về dự thảo Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
* Tờ trình số 107 ngày 14/6/2023 về dự thảo Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
* Tờ trình số 111 ngày 15/6/2023 về dự thảo Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc lĩnh vực Tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
* Tờ trình số 135 ngày 19/6/2023 về dự thảo Nghị quyết phê duyệt số lượng lao động hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm học 2023-2024.
Hôm nay (ngày 14/7), dự kiến, Kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 45 nghị quyết và tiến hành phiên bế mạc.
|
Chú trọng chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Trong phiên chất vấn, đại biểu Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đặt câu hỏi với Giám đốc Sở TT-TT về giải pháp cụ thể để tiếp tục hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho cộng đồng DN của tỉnh.
Giải trình về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, thời gian qua, đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết tất cả thủ tục hành chính (TTHC) - 1.931 thủ tục trên môi trường điện tử của cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) qua Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Điều này giúp việc thực hiện TTHC của người dân, DN được thuận lợi, đơn giản.
Đại biểu Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt câu hỏi chất vấn về giải pháp giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2023. |
Tỉnh cũng cung ứng 100% TTHC đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến (1528 thủ tục) theo yêu cầu của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, qua đó giúp người dân, DN nộp hồ sơ trực tuyến mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí trong thực hiện TTHC. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đối với các hồ sơ phát sinh mới từ 29/5/2023 qua Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã bước đầu hình thành kho dữ liệu cá nhân để người dân có thể tái sử dụng khi thực hiện TTHC lần sau.
Về giải pháp, ông Đỗ Hữu Hiền cho biết, tỉnh triển khai có hiệu quả ứng dụng “Smart BRVT”. Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công CallBot đã đưa vào vận hành thử nghiệm với đầu số 0254.1022, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ tra cứu thông tin, tình hình giải quyết TTHC và tư vấn, hướng dẫn cho người dân và DN giải quyết TTHC.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu giải trình liên quan đến các vướng mắc của dự án nạo vét kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu). |
Bên cạnh đó, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 được triển khai đã tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC, tạo nhiều lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, DN tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và chỉ đạo, điều hành của các cấp.
Cùng với đó, tỉnh đã đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh và triển khai App “IOC BRVT” cũng như nền tảng IOC tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, giúp cung cấp kịp thời các thông tin phục vụ cho chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, cũng như thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Tỉnh cũng đã đưa ứng dụng Trợ lý ảo vào xây dựng với hơn 9.450 câu hỏi, 150 kịch bản; đến nay, đã có 2.865 lượt hỏi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được Trợ lý ảo trả lời.
NHÓM PV THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ