.

Thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam ngắn hơn một số nước trong khu vực

Cập nhật: 15:34, 02/06/2023 (GMT+7)

Chiều 02/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp (ảnh dưới).

Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết:

Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

* Về tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN nhất trí với tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh không thay đổi so với các luật hiện hành.

* Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Điều 1 dự thảo Luật)

Chủ nhiệm Ủy ban QPAN nêu rõ: Ủy ban QPAN nhất trí với việc bổ sung “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” bảo đảm phù hợp với các Hiệp định biên giới của Việt Nam ký kết với các nước; bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam vào nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 6 về giấy tờ xuất nhập cảnh và thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh; đồng thời cũng nhất trí với đề xuất bỏ điểm a, c khoản 2 Điều 15 Luật hiện hành quy định về việc trực tiếp đến nộp các loại giấy tờ chứng minh thông tin cơ bản của cá nhân và bổ sung thêm khoản 9 quy định cho phép người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông nộp hồ sơ trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa tối đa về thủ tục cho người dân, tiết kiệm được chi phí, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước vào nội dung Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 9 Điều 15 về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước. Nhất trí với việc mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật tại nội dung Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 18 về đối tượng, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn… và nội dung Sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 45 và khoản 7 Điều 46 về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

* Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 2 dự thảo Luật)

Chủ nhiệm Ủy ban QPAN cho biết nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng và việc mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân vùng lãnh thổ so với chỉ quy định diện cấp đối với công dân các nước như trước đây tại nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 và một số khoản của Điều 9, Điều 19a. Chủ nhiệm Ủy ban QPAN cũng cho biết Ủy ban QPAN thống nhất việc Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 31 về chứng nhận tạm trú theo hướng nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác. Nhất trí với việc bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú trong việc yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú, trách nhiệm khai báo tạm trú, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan…Song Chủ nhiệm Ủy ban QPAN lưu ý quy định về khai báo tạm trú trong trường hợp người nước ngoài vào khu vực biên giới có liên quan đến trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và các Hiệp định có liên quan giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định có liên quan, không để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo thuận lợi cho người nước ngoài đi lại, hoạt động ở khu vực biên giới.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào một số nội dung: Về sự cần thiết ban hành Luật. Các nội dung liên quan đến nội dung: Sửa đổi, bổ sung về giấy tờ xuất nhập cảnh và thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh; Sửa đổi, bổ sung về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước; Sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu, việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông; Sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị thị thực; Việc mở rộng diện, điều kiện cấp thị thực điện tử; Sửa đổi, bổ sung quy định về khai báo tạm trú…

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu  phát biểu thảo luận tại Phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại Phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu  cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Góp ý đối với các quy định của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, sửa đổi một số nội dung:

Về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng quy định này vẫn chưa dành nhiều thời gian so với các quốc gia trong khu vực, có một số quy định chưa rõ, cụ thể: Tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 4 Điều 19a của Luật về cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung “đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 45 ngày”. Như vậy, trường hợp công dân của các nước khác thì sẽ được cấp tạm trú bao nhiêu ngày.

Qua nghiên cứu chính sách thị thực của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực, đại biểu nhận thấy so với một số nước, thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam hiện ngắn hơn một số nước trong khu vực, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực khá nhiều. Đại biểu dẫn chứng về chính sách thị thực trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam so với các nước khu vực Đông Nam Á: Hiện nay, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, chỉ còn duy nhất Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Campuchia, Lào và Đông Timor cũng đã ít nhất áp dụng chính sách cấp thị thực khi nhập cảnh cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philipin, Indonesia đã miễn thị thực trong 30-90 ngày với khách du lịch quốc tế từ hầu hết các thị trường chính của những nước này. Hiện tại, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philipin, Indonesia. Số lượng quốc gia có khách đi du lịch Việt Nam được miễn thị thực cũng chỉ bằng 5-15% so với nước ASEAN-5 - Đại biểu Hùng phát biểu.

Từ thực tiễn trên, đối chiếu với các điều khoản sửa đổi về thị thực trong dự thảo luật, đại biểu nhận thấy: Việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam cũng chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này và cần tăng miễn thị thực, gia hạn tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài trong dự thảo luật sửa đổi.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các ĐBQH tham dự phiên họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các ĐBQH tham dự phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết: Theo các điều ước quốc tế về quản lý biên giới, cửa khẩu do Việt Nam ký kết với các nước có chung đường biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đều quy định: Người nước ngoài xuất, nhập cảnh vào khu vực biên giới, cửa khẩu (kể cả cư dân biên giới nước đối diện) hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân (kể cả doanh nghiệp sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài), cơ sở lưu trú đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới, cửa khẩu, nếu ở qua đêm, đăng ký tạm trú, lưu trú, đều phải thông báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng nơi gần nhất. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng tại khoản 5, Điều 2 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 33 về Khai báo tạm trú và trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới hải đảo có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại khoản 8, Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 45a - Trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Đồng thời, để Luật này đi vào cuộc sống khi được thông qua và có hiệu lực pháp luật, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm bổ sung quy định về công khai thông tin thị thực và quy định chi phí thị thực hợp lý, phù hợp với mức của các quốc gia trong khu vực. Đại biểu Hùng nhận định, hiện nay, các thông tin liên quan đến thị thực điện tử được cung cấp tại trang web: EVISA Xuất nhập cảnh do Bộ Công An quản lý (https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn ). Trong khi đó, các thông tin liên quan đến Thông tin đi lại, xin thị thực các nước, bao gồm thông tin các nước được miễn thị thực nhập cảnh, Thẻ đi lại doanh nhân APEC, Kê khai thị thực trực tuyến... lại đăng tải tại trang web: Visa do Bộ Ngoại giao quản lý (https://visa.mofa.gov.vn/).

Tuy nhiên, thông tin về các loại thị thực cấp cho khách du lịch và phí cấp thị thực...chưa được công bố và không thể tìm thấy, ngay cả trên trang web của đại sứ quán Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm, hoặc trong trường hợp có công bố, thì thực thi lại có bật cập, chi phí thị thực khá cao so với các nước trong khu vực. Liên quan đến phí cấp thị thực, hiện nay có 03 văn bản của Bộ Tài chính quy định, đó là: Thông tư số 25 năm 2021; Thông tư số 264 năm 2016 và Thông tư số 113 năm 2016. Việc quy định tại một văn bản duy nhất áp dụng chung cho người nước ngoài xin thị thực dù ở tại Việt Nam hay ở ngoài Việt Nam, tương tự như các nước ASEAN, là thực tiễn bất cập đang còn thiếu, cần thống nhất bằng một văn bản quy định về Phí cấp thị thực.

Do vậy, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung, thêm một điều khoản quy định về một Cổng thông tin điện tử chính thức của Chính phủ, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến quy trình, thủ tục, lệ phí...của Việt Nam về thị thực (gồm miễn thị thực, thị thực điện tử, thị thực khi nhập cảnh, thị thực xin tại các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và tại Việt Nam...) vào nội dung dự thảo Luật sửa đổi lần này để khi luật có hiệu lực, đi vào cuộc sống thực hiện hiệu quả, thống nhất.

CHÂU VŨ
(Tổng hợp)

 

.
.
.