.
KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY BÀ RỊA - VŨNG TÀU (6/6/1948 - 6/6/2023)

Tuyên truyền trong lòng địch

Cập nhật: 19:19, 01/06/2023 (GMT+7)

“Sự chở che, bảo bọc, góp gạo, muối, tiền bạc của đồng bào đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, binh vận trong kháng chiến”, họa sĩ Lê Minh (SN 1938), cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa (sau này là Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh) chia sẻ khi kể về những năm tháng gian lao mà anh dũng.

Cán bộ, nhân viên Tuyên huấn những năm đầu kháng chiến. Ảnh: Tư liệu
Cán bộ, nhân viên Tuyên huấn những năm đầu kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Thức trắng nhiều đêm in truyền đơn, báo

Họa sĩ Lê Minh (tên khai sinh là Lâm Ngọc Thọ) nhớ lại, tháng 3/1960, từ Sài Gòn thông qua cơ sở ông được đưa về tham gia Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa tại căn cứ Hắc Dịch. Nhờ viết chữ đẹp, ông được giao viết truyền đơn, bản tin và thiết kế, viết nội dung Báo Bà Rịa Giải phóng bằng viết có ngòi sắt nhọn trên từng tờ giấy sáp khổ 21x27cm.

Đầu năm 1961, Trường Đảng tỉnh được hình thành tại Gia Cốp, mở các lớp huấn luyện cho cán bộ Huyện ủy viên, Chi ủy viên. Nội dung huấn luyện gồm: Năm bước công tác cách mạng và Công tác vận động quần chúng; Công tác Đảng và nhiệm vụ của Bí thư chi bộ; Tình hình và nhiệm vụ… Chương trình và tài liệu được biên soạn sát với từng đối tượng và gửi cho tuyên huấn các huyện mở lớp cho cán bộ ở các xã, ấp.

Sau đó bộ phận in ấn dùng mực quét lên giấy sáp đã được viết chữ (in quyệt), sau này in bằng máy ronéo. Các anh chị em phải làm việc suốt ngày, thức trắng nhiều đêm để kịp phát hành, đảm bảo thời gian. Giấy in, mực in, giấy sáp do bộ phận thương nghiệp nhờ cơ sở cách mạng của ta từ Sài Gòn, Long Khánh, Bà Rịa... mua và chuyển về căn cứ phục vụ công tác in ấn.

Nội dung truyền đơn, bản tin, báo khi đó là chống Luật 10/1959, chống lập ấp chiến lược, chống bắt quân dịch, chống vào phòng vệ dân sự, đòi các quyền dân sinh dân chủ khác, động viên đồng bào sản xuất… do ông Hồ Sĩ Hành (Hai Quỳnh), Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa biên tập. Ngoài ra, Báo Bà Rịa Giải phóng còn có những bức tranh biếm họa phê phán chế độ độc tài của gia đình Ngô Đình Diệm, cảnh đồng bào sản xuất, phá ấp chiến lược do họa sĩ Lê Minh và các anh em trong bộ phận hội họa vẽ.

Đêm tân hôn trên võng
Họa sĩ Lê Minh và bà Hoàng Thị Hương (Tư Hương), cán bộ Văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa cưới nhau ngày 25/4/1965 tại căn cứ Hắc Dịch. Lễ cưới diễn ra giản dị với sự chủ trì của lãnh đạo Ban. Không có nhẫn cưới, không biết áo cưới là gì, ông bà chỉ trao nhau ánh mắt trìu mến trong sự chúc mừng của anh chị em, bạn bè tại căn cứ.
Không có giường nằm, đêm tâm hôn, ông bà ngủ chung trên một chiếc võng. Cuộc sống trong kháng chiến khó khăn, gian khổ nhưng ông bà vẫn ở bên nhau, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, ông bà đang sống hạnh phúc với con cháu tại TP. Vũng Tàu.
Đám cưới không có nhẫn trao nhau, không mặc áo cưới nhưng họa sĩ Lê Minh và bà Tư Hương luôn hạnh phúc bên nhau. Ảnh: NGỌC NGUYỄN
Đám cưới không có nhẫn trao nhau, không mặc áo cưới nhưng họa sĩ Lê Minh và bà Tư Hương luôn hạnh phúc bên nhau. Ảnh: NGỌC NGUYỄN

Sau khi in xong, tài liệu được chuyển đến trạm giao liên để đưa xuống các cơ sở ở xã, huyện. Ban giao liên tỉnh cũng bố trí hợp lý hệ thống phát hành, đảm bảo phát hành kịp thời và nhanh nhất. Báo Bà Rịa Giải Phóng phát hành đến các cơ sở, các địa phương. Báo ra hàng tháng, mỗi số in chừng 500 bản. Riêng bản tin và truyền đơn thì in liên tục, theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, mỗi đợt hàng vạn bản, truyền đơn khổ lớn mỗi ngày in được 500-1.000 tờ.

Đồng bào sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cách mạng

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ban Tuyên huấn chú trọng phương pháp tuyên truyền miệng, trực tiếp với dân thông qua cơ sở mật. Trong ấp chiến lược rất khó tập họp đông dân vì địch kìm kẹp chặt. Vì vậy, Ban Tuyên huấn phải bố trí lực lượng gọn nhẹ, tổ chức thành các đội tuyên truyền xung kích, tập hợp mỗi lần 5-7 người mà tuyên truyền vận động, sau đó người này truyền người khác lan rộng trong toàn vùng. Bằng phương pháp tuyên truyền miệng đi sâu trong dân, chúng ta đã giành thắng lợi lớn dần, đẩy lùi âm mưu “tát nước bắt cá” của địch, đưa dân về đất cũ nối lại liên lạc, tổ chức cơ sở, phá banh hàng rào ấp chiến lược của địch.

Quá trình cùng ăn, cùng ở với người dân trong ấp chiến lược để tuyên truyền, binh vận, các cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy không ít lần đối mặt với nguy hiểm, có thể bị bắt, bị bắn. Nhưng nhờ sự mưu trí, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cách mạng của đồng bào, các cán bộ đã nhiều lần thoát hiểm.

Họa sĩ Lê Minh nhớ lại, năm 1967, ông được phân về căn cứ Minh Đạm để vào ấp chiến lược làm công tác tuyên truyền, binh vận ở Đất Đỏ. Ban ngày ông sống dưới hầm bí mật trong vườn nhà một gia đình có 2 mẹ con. Ban đêm ông ra khỏi hầm đến từng nhà người dân vận động phá ấp chiến lược, cho con em tham gia cách mạng… Khoảng 4 giờ sáng một ngày cuối tháng 5, khi đang ngồi ăn cơm trên hầm bí mật thì cô con gái phát hiện toán lính đi tuần gần tới. Ông nhanh chóng xuống hầm bí mật, cô gái đậy nắp hầm nhưng chưa kịp ngụy trang hết nắp hầm thì toán lính đi tới. Nhanh trí, cô gái ngồi xuống làm động tác đi vệ sinh, toán lính nhìn thấy và rẽ đi sang hướng khác nên không phát hiện nắp hầm. “Nếu cô gái không nhanh trí bọn lính sẽ phát hiện ra hầm là tôi bị bắt, còn gia đình cô gái cũng bị bắt hoặc bị giết. Đồng bào hết lòng vì cách mạng, luôn cưu mang, che chở và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chúng tôi”, họa sĩ Lê Minh chia sẻ.

Nghị định 145/NĐNB ngày 6/6/1948 của Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, bổ nhiệm ông Nguyễn Kế Hoa là Trưởng ban; ông Hồ Sĩ Hành (Trưởng Ty thông tin) kiêm Phó Trưởng ban, cán bộ được điều động từ Ty Giáo dục và Ty Thông tin.

PHÚC LƯU

.
.
.