Sáng 7/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, với những nội dung trọng tâm:
(1) Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. (2) Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.(3) Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. (4) Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. (5) Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. (6) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ |
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tư pháp, Công Thương cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp điều hành Phiên chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn |
Đăng ký chất vấn nhóm vấn đề thuộc khoa học và công nghệ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các đại biểu Nguyễn Thị Yến, Huỳnh Thị Phúc, Nguyễn Tâm Hùng và Dương Tấn Quân đã đăng ký chất vấn.
Gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ tại phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh: Trong bối cảnh đổi mới cần phát huy tính sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ các lĩnh vực trong đời sống xã hội và phát triển nền kinh tế của quốc gia.
Từ thực tiễn và các báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội cho thấy vẫn còn tồn tại vướng mắc liên quan đến việc quản lý, vận hành và sử dụng các nguồn lực từ ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ khoa học công nghệ chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đã đề ra. Trong đó có việc chậm xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ dẫn tới việc chưa hình thành được cơ sở dữ liệu về tài sản theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 70 năm 2018 của Chính phủ. Đại biểu Phúc đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vướng mắc, chậm trễ và giải pháp giải quyết hạn chế trên.
Liên quan đến nhóm nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ, cùng tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo với Quốc hội và các vị đại biểu: Về bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%. Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 ngày 17/10/2014, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo làm rõ các noi dung liên quan đến nhóm cán đề chất vấn thứ ba |
Bộ trưởng cho biết, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong khoa học công nghệ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tham dự phiên chất vấn |
Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. Thời gian tới, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.
Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)