KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Xử lý nghiêm việc thu sai BHXH

Thứ Ba, 06/06/2023, 20:25 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 6/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc.

Đại hiểu Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chất vấn  các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH được cử tri và đông đảo nhân dân quan tâm. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại hiểu Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chất vấn các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH được cử tri và đông đảo nhân dân quan tâm. Ảnh: CHÂU VŨ

Không thực hiện đúng với quy định của pháp luật về thu BHXH bắt buộc

Chất vấn các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH được cử tri và đông đảo nhân dân quan tâm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, qua kết quả giám sát, nhiều tỉnh, thành  đã có tình trạng thu BHXH bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể, trong khi các đối tượng không thuộc đối tượng phải đóng BHXH.

Điều này cho thấy cơ quan này đã không thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị làm rõ có tiêu cực trong thu BHXH hay không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Hướng xử lý trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu BHXH bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH Việt Nam, đặc biệt là BHXH của các địa phương.

Bộ trưởng cho biết, vấn đề này đã được phát hiện, Bộ LĐTBXH đã làm việc với BHXH Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh việc này.

Bộ trưởng cho biết thêm, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp mong muốn và đề nghị xin chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.

Về câu hỏi của đại biểu có tình trạng tiêu cực hay không, Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chỉ rõ những vướng mắc trong phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Chất vấn về lĩnh vực Dân tộc, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đánh giá tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những vẫn đề nhức nhối nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này.

Trả lời chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, lúc đó thực hiện phân định theo miền núi, vùng cao. Giai đoạn 2, thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.

Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.

Gần đây nhất, Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm, trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định theo 3 khu vực theo trình độ phát triển.

Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn.

Quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, với những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa, tuy nhiên, trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập.

Về tác động của Quyết định số 861, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146, trong đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn là hộ dân tộc thiểu số khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng. Dự thảo đang được xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới.

NGỌC NGUYỄN – CHÂU VŨ (Từ Hà Nội)

;
.