Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa xv: Chữa trị hiệu quả căn bệnh 'sợ trách nhiệm'

Thứ Tư, 31/05/2023, 19:02 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Thảo luận ở hội trường các đại biểu bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Hai nhóm cán bộ sợ trách nhiệm, cản trở sự phát triển

Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã thẳng thắn chỉ ra trong bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, có hai nhóm là “suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng” và “sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm”.

Đồng tình với hạn chế được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ về “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển của đất nước”, đại biểu Trần Văn Tuấn đặt vấn đề, tại sao trước đây không xuất hiện cán bộ sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện; không những vậy, còn lan rộng từ trung ương xuống đến địa phương, tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư nhân. “Cần phải xác định được nguyên nhân của căn bệnh này thì mới có thể điều trị hiệu quả”, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, cần phân hóa, phân định một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm là những ai, nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của những cán bộ này để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, đại biểu Đoàn Trà Vinh cho rằng có thể khắc phục được ngay, ưu tiên thay thế bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm.

Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, nhóm này chiếm số đông; là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Theo đại biểu, nhóm cán bộ này sợ vi phạm pháp luật vì hai nguyên nhân: Một số văn bản pháp luật hiện hành, nhất là văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, được triển khai quyết liệt, hiệu quả khiến nhiều cán bộ lo sợ bởi họ đã có vi phạm tương tự ở thời điểm trước đây. Từ đó tạo ra hiệu ứng lây lan đến các cán bộ khác, hình thành tâm lý ngán ngại, sợ bị kỷ luật, nhất là bị xử lý hình sự. Trong số đó, không loại trừ một số cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm nhưng không thể triển khai công việc bởi sự bất cập, thiếu đồng nhất của văn bản pháp luật.

Về lâu dài, đại biểu Trần Văn Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để bảo đảm tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn; trên cơ sở đó bảo vệ, khuyến khích cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Phải bắt cho “‘đúng bệnh”

Theo đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm xuất hiện từ lâu, đến nay dường như phức tạp hơn. Nguyên nhân có thể do thiếu trách nhiệm, nhưng cũng có những trường hợp là một bộ phận cán bộ có năng lực, trình độ hạn chế, việc nắm bắt các quy định của pháp luật có hạn nên làm việc gì cũng sợ, né tránh hoặc đùn đẩy...

“Ngoài việc gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong công việc, cũng cần có cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chung”, đại biểu Tô Văn Tám nói.

Đặt vấn đề về làm sao bắt cho “đúng bệnh” để khắc phục tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, dù trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế, có nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm.

Qua trao đổi với cơ sở cho thấy, nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu khi vừa phải đúng quy định của pháp luật, vừa đúng chỉ đạo của cấp trên. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm, vì cán bộ không chịu tham mưu cũng khó xử lý được. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu trong quyết tâm, quyết liệt xử lý những người không làm được việc.

NGỌC NGUYỄN

;
.