Gỡ rào cản để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 18/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với 2 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An về việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu… Tham dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu có ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu của tỉnh trong quý I/2023.
Cụ thể, quý I/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả dầu thô và khí đốt giảm 4,75% so với cùng kỳ; trừ dầu thô và khí đốt tăng 1,45%. Hiện giá trị tăng thêm từ hoạt động khai thác đầu thô và khí thiên nhiên vẫn chiếm khoảng 46% trong cơ cấu GRDP cả dầu khí của tỉnh. Trong đó, ngành góp phần quan trọng làm tăng chỉ số phát triển công nghiệp chung là ngành chế biến, chế tạo tăng 2,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) một số ngành trọng tâm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 22,75%; sữa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 78,69%... Có 17 sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng mạnh trên 10%.
Về công tác đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai quyết liệt. Trong đó, đầu tư công, năm 2023, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao vốn hơn 10.792 tỷ đồng. HĐND tỉnh, huyện đã phân bổ hơn 15.570 tỷ đồng, cao hơn số Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 4.778 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết tháng 4/2023 hơn 3.076 tỷ đồng, đạt 21,48% so với kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022. Các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh hiện đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung công việc theo kế hoạch triển khai như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh…
Trong khi đó, tình hình xuất, nhập khẩu trong quý I lại có đấu hiệu giảm do các DN gặp khó khăn về tài chính, tìm kiếm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng mạnh ở các nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô 4 tháng ước đạt hơn 1,5tỷ USD, giảm 14,84% so với cùng kỳ.
Ngay sau buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nhanh chóng làm việc với các bộ, ngành để triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, không để mất cơ hội đầu tư. |
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã nêu cụ thể những khó khăn, vướng mắc của tỉnh như: Vướng mắc trong việc gia hạn cho các dự án ảnh hưởng bởi dịch COVID -19; vướng trong việc tính tiền thuê đất đối với hạ tầng dùng chung trong KCN; vướng mắc trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; về chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cũng có nhiều trở ngại… Với từng khó khăn, vướng mắc, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.
Đối với các dự án trọng điểm, tỉnh đang gặp khó khăn về nguồn vốn và vật liệu san lấp cho dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét giao Bộ KH-ĐT sớm tham mưu cấp thẩm quyền phân bổ vốn trung hạn 2021-2025 và vốn năm 2023 nguồn ngân sách Trung ương còn lại cho dự án này. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cho phép UBND tỉnh được san hạ khu đất 47,4ha tại xã Xuân Sơn, sử dụng làm đường cao tốc mà không phải bổ sung vào quy hoạch khoáng sản…
Ngoài ra, tỉnh cũng nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc và kiến nghị sớm gỡ vướng cho các dự án trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh như: Dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, dự án trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, dự án nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo…
Song song đó, tỉnh cũng chủ động thực hiện một số giải pháp cơ bản tập trung thực hiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mức tăng trưởng 8-8,5%, như: hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp để sớm đi vào vận hành, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, thúc đẩy tiến độ 23 dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong 9 tháng cuối năm 2023.
Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp năm 2023 và chương trình khuyến công địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy đầu tư của DN và dân cư…. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ghi nhận các khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An. Phó Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn, xử lý để giúp địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: QUANG VŨ