Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) của Bộ KH-ĐT.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, trường - Doanh nghiệp. Các chủ thể liên quan bao gồm trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.
Trung tâm có nhiều đối tác lớn và quan trọng của như các tập đoàn công nghệ Google, Meta, Amazon, Siemens, Hitachi, Viettel, FPT, CMC; viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế; trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như: Station F Pháp, Brainport Hà Lan, IMEC, Hub.brussels Bỉ, Adlershof Đức,... cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước, quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.
Trung tâm cũng đã hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các Viện, trường hàng đầu trên thế giới. Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay đã phát triển 8 mạng lưới thành phần tại Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quoocs), châu Âu và 2 mạng lưới tại Mỹ. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm các hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ về tiếp cận vốn, hỗ trợ về cố vấn, tư vấn các giải pháp.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo tại các viện-trường, địa phương, phối hợp liên kết các đại học quốc tế lớn cung cấp các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thương mại hóa nghiên cứu công nghệ. Trung tâm cũng phối hợp đối tác Google tổ chức chương trình Nhân tài số với hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia; phối hợp với USAID triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực; phối hợp Tổ chức STEAM for Vietnam tổ chức đào tạo hơn 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở về lập trình máy tính và STEM; đồng thời tổ chức cuộc thi Robotics cho sinh viên; xây dựng hệ thống quản trị đào tạo trực tuyến.
Sau khi đi thăm cơ sở vật chất, các hoạt động và các sản phẩm đổi mới sáng tạo tại Trung tâm, Thủ tướng đã làm việc với cán bộ, nhân viên Trung tâm. Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các đối tác đã chia sẻ về sự cần thiết, cơ hội và khả năng hợp tác, ý nghĩa to lớn từ đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế chính sách để thu hút, tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ là người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là nhân lực chất lượng cao của thế giới làm việc cho Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu “đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”; phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, việc xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo là rất cần thiết và kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam phải là nơi hội tụ trí tuệ trên khắp thế giới, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác. Từ đó tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả lợi ích, giá trị cho toàn xã hội. Để làm được điều này, theo Thủ tướng phải có cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, công sức và tâm huyết.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan xây dựng văn bản, tạo khuôn khổ pháp lý cho Trung tâm vận hành hiệu quả; xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, hội tụ trí tuệ; tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; vườn ươm sáng tạo.
Đặc biệt, các bên liên quan tiến hành nghiên cứu xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo để thúc đẩy, khuyến khích đổi mới sáng tạo; hoàn thiện mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện Việt Nam; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; xây dựng nền tảng số để kết hợp các hoạt động của hệ sinh thái, số hóa việc điều khiển vận hành của Trung tâm; số hóa tương tác giữa hệ sinh thái trong và ngoài nước với Trung tâm; xây dựng kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, phát triển trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công; song phải đảm bảo chất lượng, kỹ-mỹ thuật công trình; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động...Quy hoạch xây dựng Trung tâm phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn; song đầu tư thì phân kỳ; làm đến đâu dứt điểm đến đó.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải xây dựng Trung tâm đầy đủ tiện ích, có không gian, cảnh quan, xây xanh, mặt nước; là nơi hội tụ của các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; nơi đáng sống, làm việc của các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà sáng lập, và nhân sự làm việc trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
PHẠM TIẾP
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư vào năm 2019, với tổng số vốn 4.040 tỷ đồng; hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trung tâm có tổng diện tích 35ha, được thiết lập để hỗ trợ và phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của quốc gia. Khi hoàn thành, đây là nơi tập trung các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế, phòng thí nghiệm, văn phòng của các tập đoàn lớn, nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu. |