.

Tạo nguồn để có nhiều cán bộ nữ chất lượng

Cập nhật: 19:19, 12/03/2023 (GMT+7)

“Cần quan tâm phát triển, tạo nguồn, bồi dưỡng để có nhiều phụ nữ trong bộ máy chính trị hơn”, đó là yêu cầu của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương tại tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.

Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, lãnh đạo, quản lý, ĐBQH và HĐND các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CHÂU VŨ
Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, lãnh đạo, quản lý, ĐBQH và HĐND các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CHÂU VŨ

Tọa đàm do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu địa phương ngày 11/3.

Việt Nam xếp thứ 64/193 quốc gia có nữ tham gia ĐBQH

Bà Trương Thị Mai khẳng định, phụ nữ, công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Quan điểm này được thể hiện sâu sắc và xuyên suốt qua các chỉ thị, nghị quyết như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới...

Với khung pháp lý tiến bộ, khá toàn diện và phù hợp với các yêu cầu quốc tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của các lực lượng phụ nữ, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực về bình đẳng giới. Phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị.

Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo, quản lý, nữ ĐBQH và HĐND các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có 107.324 công chức nữ, chiếm 43,32% tổng số công chức; hơn 1,2 triệu viên chức nữ, chiếm 68,06% tổng số viên chức. Cả nước có 151 nữ ĐBQH khóa XV, chiếm 30,25%. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 Ủy viên là nữ, chiếm 9,5%. Trưởng, phó các ban Đảng ở Trung ương có 6 nữ, chiếm 11,5%. Lãnh đạo cấp vụ có 111 nữ, chiếm 22,1%. Ở địa phương, nhiệm kỳ 2020-2025, cấp tỉnh có 466 Ủy viên Ban Chấp hành, chiếm 13,3%. 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên. Ở cấp huyện, con số này cao hơn, có 17,3% nữ là Ủy viên Ban Chấp hành; cấp xã đạt 20,8%...

So sánh với quốc tế, tính đến tháng 2/2023, Việt Nam xếp thứ 64/193 quốc gia có nữ tham gia ĐBQH, tăng 10 bậc so với năm 2020.

Chú trọng quy hoạch, phát triển nguồn cán bộ nữ

Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn chưa đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết số 11 và một số văn bản của Đảng đề ra. Cá biệt, vẫn còn cơ sở không có cấp ủy viên là nữ, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND có nơi chưa đạt 20%. Nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu.

Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, trong quy hoạch, các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị cần bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ theo đúng tỷ lệ nữ đã được quy định. Khi xét để đề bạt, bổ nhiệm, ngoài tiêu chuẩn chung, cần xét yếu tố về giới. Còn ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề xuất mở rộng phát hiện nguồn cán bộ nữ ở ngoài hệ thống chính trị như: khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực hoạt động xã hội.

Theo bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn, việc làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ nữ có điều kiện phát triển và đảm đương được các vị trí trong hệ thống chính trị là rất quan trọng. Nhiệm kỳ 2025-2030, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu có nhiều cán bộ nữ tham gia cấp ủy hơn. Cụ thể, trong quy hoạch là 41,75% tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện là 50,11%, cấp xã 20,99%. “Bắc Kạn đang thực hiện đề án tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số để phát triển đội ngũ cán bộ nữ”, bà Thanh nêu giải pháp.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị trong thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ. Cần quan tâm phát triển, tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử đối với cán bộ nữ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị… Việc cơ cấu tỷ lệ cán bộ nữ phải chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao. “Và quan trọng hơn cả là phụ nữ cần phải nỗ lực phát triển bản thân, để ở vị trí nào trong công việc cũng đáp ứng được, để được ghi nhận và tôn vinh”, bà Trương Thị Mai nói.

Cùng với cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu đã dành nhiều sự quan tâm, phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý của tỉnh chiếm 28,8% tổng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt 29,96%, vượt 4,96% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW (chỉ tiêu 25%); có 34,09% cán bộ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp, thấp hơn 0,91% so với Nghị quyết số 11; có 77/112 sở, ban, ngành, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm 68,75%.

THI PHONG - MAI NGỌC

.
.
.