.

Người dân tích cực góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật: 20:23, 23/02/2023 (GMT+7)

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc thời gian lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi). Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các tổ chức và địa phương đang gấp rút lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật này.

Sở TN-MT tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi).
Sở TN-MT tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi).

Quan tâm đến giá đền bù

Những ngày qua, UBMTTQ phường Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ) đến tận nhà dân để ghi nhận ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm đến công tác đền bù khi bị thu hồi đất phục vụ dự án, ông Trịnh Văn Môn (khu phố Tân Ngọc, phường Phú Mỹ) đề xuất: “Luật Đất đai mới cần phải có tiêu chí khoa học khi xây dựng bảng giá đất để đền bù cho dân có đất bị thu hồi. Theo đó, giá đền bù phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân, tránh tình trạng đền bù không thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện”.

Theo ông Môn, khi giá đất có biến động 20% trở lên thì cần tính toán nhằm tạo sự công bằng cho người dân. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp thời gian công bố thu hồi đến lúc thu hồi đất để triển khai dự án quá lâu. Nhưng giá đền bù lại chỉ áp ở mức cách đây 10-20 năm của thời điểm thông báo thu hồi chứ không áp dụng bảng giá đất tại thời điểm thu hồi. Trong khi đó, giá đất thị trường đã tăng gấp nhiều lần. 

“Vì vậy, Luật Đất đai mới cần quy định rõ thời gian đưa đất vào sử dụng sau khi thu hồi, ví dụ sau 5 năm mà chưa thực hiện thì phải tính lại giá để đền bù cho người dân”, ông Môn nói thêm.

Trong khi đó, bà Trần Thị Nhâm (xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) cho rằng, quy hoạch đất đai cần có thời gian triển khai cụ thể, tránh quy hoạch kéo dài không biết đâu là giới hạn. Cũng theo bà Nhâm, cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân có đất bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống sau bàn giao đất cho nhà nước thực hiện dự án.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch UBMTTQ phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ thông tin, qua công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi), hầu hết người dân đều đồng tình với công tác thu hồi đất của dân để thực hiện các dự án phục vụ cho sự phát triển kinh tế của địa phương. 

Tại TP. Bà Rịa một số địa phương đã hoàn tất việc lấy ý kiến của người dân về Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Phạm Ngọc Linh, Chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Hưng cho biết, đến thời điểm này công tác lấy ý kiến của người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của xã đã hoàn tất và đã gửi báo cáo về UBMTTQ TP. Bà Rịa theo quy định... Trong số nhiều ý kiến góp ý của người dân trong xã thì bố trí tái định cư và việc hỗ trợ giá đất khi có đất thu hồi là 2 vấn đề được người dân góp ý nhiều nhất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo nhiều hình thức đa dạng, thực chất theo yêu cầu Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 170 của Chính phủ.
9 nội dung trọng tâm lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất. 
Lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Khắc phục hạn chế của Luật Đất đai 2013

Ngày 21/2, Sở TN-MT cũng đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ góp ý Luật đất đai (sửa đổi). Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở TN-MT nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là những bất cập trong quản lý và sử dụng đất. 

“Nội dung Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương; điều chỉnh theo hướng khắc phục các tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai 2013. Người dân tham gia góp ý cho dự thảo luật không chỉ phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mà khi nhân dân đã đồng thuận cao thì luật được ban hành sẽ được triển khai ngay vào cuộc sống”, ông Hải nói.

Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Đồng thời tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất. 

Ngoài ra, các điểm mới còn liên quan đến đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.

Để nâng hiệu quả tài nguyên đất, Sở TN-MT chú trọng góp ý về các quy định quản lý đất nông nghiệp và loại đất kết hợp đa mục đích như: đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.