.

Chuyển đổi số cần đi trước, đón đầu

Cập nhật: 19:26, 26/02/2023 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra sáng 25/2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu Bà Rịa- Vũng Tàu.

Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực: Nhận thức và hành động, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi. Đồng thời, phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dịch vụ công trực tuyến, an toàn, an ninh thông tin, phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…

Một số chỉ tiêu chuyển đổi số đạt và vượt mức kế hoạch như: tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 65%, dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%. Về việc thực hiện Đề án 06, đến nay các bộ, ngành đã triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu, 58/63 địa phương kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cấp trên 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh. Dịch vụ công trực tuyến gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực. Đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng hơn 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh- thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2022, tỉnh thực hiện chuyển đổi số gồm 30 chỉ tiêu và 55 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành 13 chỉ tiêu, 28 nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật, nền tảng số được triển khai và phát triển với dịch vụ trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn; mạng truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao; nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu được nâng cấp. Các hệ thống mạng nội bộ được quan tâm đầu tư, hoạt động ổn định, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng để triển khai các ứng dụng.

Phát triển đột phá về công nghệ 

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, năm 2023 là năm số hóa, kết nối dữ liệu để tạo ra những giá trị mới. Bộ Công an được Chính phủ giao xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, Bộ Công an luôn sẵn sàng hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng, tạo lập dữ liệu, kết nối dữ liệu, tiết kiệm chi phí, mang lại tiện ích phục vụ Chính phủ, nhân dân, DN.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Trong đó, chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.

Do đó, cần phải có tư duy đi trước, đón đầu, đi trước - về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Về dữ liệu, phải quán triệt quan điểm đây là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của đơn vị mình và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề “Năm quốc gia về dữ liệu số”. Trong đó, lưu ý việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát.

Năm 2023, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu đạt 70% hồ sơ thủ tục hành chính được nộp và xử lý trực tuyến; 100% người dân và DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt.…
Tỉnh phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 17% GRDP; 80% tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản gian hàng trên sàn thương mại điện tử; duy trì tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Đối với phát triển số, 100% tỷ lệ dân số có định danh điện tử và 80% hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% trường học các cấp triển khai ký số trên học bạ điện tử.
Đồng thời, hoàn thành chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Đề án đã được phê duyệt; đưa vào vận hành, khai thác chính thức trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh; hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành Kho dữ liệu số của tỉnh; hoàn thiện, bảo đảm kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (hướng đến không dùng sổ hộ khẩu năm 2023).

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
.
.
.