Sáng 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: NHẬT BẮC |
Tình hình đang ổn định trở lại
Từ tháng 10 tới nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp tháng 10, tháng 11; Thường trực Chính phủ đã ban hành 3 thông báo kết luận; Thủ tướng Chính phủ có 4 công thư gửi lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo Chính phủ đã có 1 quyết định, 1 chỉ thị, 5 công điện, 12 thông báo kết luận, 33 văn bản chỉ đạo, điều hành…; các bộ, ngành cũng vào cuộc để tập trung xử lý, ổn định tình hình. Điều này cho thấy việc chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm bắt tình hình, có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp.
Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã có 3 cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại, đại diện ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiến hành tổng kết ngoại giao vắc xin nhằm tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế theo Chỉ thị của Ban Bí thư.
Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém.
Tất cả mọi chính sách được xây dựng và thi hành để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
|
Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe kiến nghị. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các chính sách tài khóa. Tích cực giải quyết có hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, thiếu hụt xăng dầu cục bộ.
Các biện pháp nói trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn được bảo đảm.
Không điều hành giật cục
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã làm việc có trọng tâm trọng điểm rồi phải có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa. Không thỏa mãn với những kết quả đạt được, không chạy theo chủ nghĩa thành tích; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bám sát, nắm chắc tình hình trong nước và thế giới, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu phải giữ bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, kiên định, kiên trì các vấn đề mang tính nguyên tắc và các nhiệm vụ đã được thực tiễn chứng minh là đúng, trúng; lắng nghe các ý kiến nhiều chiều, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thực chất, hiệu quả. Dứt khoát không điều hành giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, tránh tình trạng “lúc này quá chặt chẽ, lúc khác quá lỏng lẻo, lúc này quá đơn giản, lúc khác quá cầu kỳ, lúc này quá cầu toàn, lúc khác quá nóng nội”; bảo đảm cân bằng giữa an toàn và phát triển.
Tiếp tục thực hiện các chính sách được đề ra và tổ chức thực hiện hiệu quả vừa qua, mang lại hiệu ứng tích cực với nền kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục nắm vững tình hình, diễn biến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, dự báo các khó khăn, rủi ro, có các giải pháp hiệu quả, dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế.
Tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng và đổi mới công nghệ, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Các tổ công tác của Chính phủ phát huy các kết quả đạt được, tiếp tục hoạt động tích cực, hiệu quả hơn nữa, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau để thực hiện các chính sách, phát huy tối đa vai trò của các Bộ trưởng.
HÀ VĂN