.

Chủ trương, chính sách phải sát thực tiễn

Cập nhật: 19:23, 01/12/2022 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Sáng 1/12, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Bùi Chí Thành, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; ông Huỳnh Văn Danh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX và 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

GRDP bình quân đầu người tăng 3,7 lần

Qua 20 năm triển khai Nghị quyết số 23 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được những kết quả quan trọng.

Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, hài hòa các mục tiêu về kinh tế và môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Qua đó, quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng, GRDP trừ dầu khí tăng bình quân 6,10%/năm (quy mô GRDP đứng thứ 3 cả nước), GRDP bình quân đầu người năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 281,2 triệu đồng (tương đương 12.154 USD, tăng 3,7 lần so với năm 2003 là 3.210 USD). 

Mặt trận và các đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng, niềm tự hào dân tộc, đề cao trách nhiệm của người dân với quê hương, đất nước. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân nói chung, đặc biệt là đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm chăm lo.

Những việc liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân đều được đưa ra bàn bạc với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra hằng năm và các giai đoạn phát triển của tỉnh.

Khẳng định vai trò, vị thế của hội quần chúng
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về việc “tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng”, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng về tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. 
Toàn tỉnh hiện có 552 tổ chức hội quần chúng với 567.996 hội viên. Các hội quần chúng hoạt động đúng quy định pháp luật, điều lệ, tôn chỉ, mục đích của hội, phát huy vai trò trong đời sống xã hội. Vai trò, vị thế của nhiều tổ chức hội tiếp tục được khẳng định. Một số tổ chức hội chủ động triển khai các hoạt động với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực, thu hút đông đảo hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Trọng dân, gần dân

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày một số tham luận và đóng góp ý kiến thảo luận để làm rõ thêm những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 23 và Chỉ thị số 17, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng để phát huy vai trò của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo phương châm trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người. Chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết các khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vũng Tàu cho biết, thành phố tiếp tục chú trọng đổi mới, đa dạng hóa phương thức tập hợp nhân dân và phương thức sinh hoạt của các đoàn thể, với phương châm “Ở đâu có quần chúng, ở đó có đoàn thể”. Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tập hợp lực lượng và tổ chức sinh hoạt theo các nhóm zalo, facebook cho đoàn viên, hội viên tham gia tương tác, trao đổi công việc, chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng. 

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến đề nghị tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước. Các chủ trương, chính sách ban hành phải sát thực tiễn, hợp lòng dân. Chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, phát huy tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận tiện cho người dân, DN; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân. 

Người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho nhân dân; giải quyết hài hòa chính sách cho các tầng lớp nhân dân, nhất là trong công tác đền bù, thu hồi, giải phóng mặt bằng.

MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội, các hội quần chúng đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết của các giai cấp, tầng lớp nhân dân, nêu cao vai trò của cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động và động viên cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia.

Bài, ảnh: PHÚC LƯU - CẨM NHUNG

 
.
.
.