TIN BÀI LIÊN QUAN:
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc ngày 10/12.
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành thảo luận tại kỳ họp. |
Khơi thông các nguồn lực, lợi thế
HĐND tỉnh đã dành thời gian thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn; những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Các đại biểu HĐND tỉnh cũng thống nhất các giải pháp có tính khả thi để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Kỳ họp đã thống nhất thông qua 25 nghị quyết với sự đồng thuận của 100% các đại biểu. Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực, khơi thông các nguồn lực, lợi thế phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là điều hành tài chính, ngân sách, đầu tư công của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2023 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt chỉ tiêu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) không tính dầu thô và khí đốt đạt 8,1-8,5%; Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP bình quân đầu người) không tính dầu thô và khí đốt khoảng 8.231 USD/người/năm; Tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 88.591 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa khoảng 42.991 tỷ đồng.
ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khởi công các dự án đã phê duyệt
Năm 2023, tỉnh cần triển khai, thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công xây dựng các dự án đã được phê duyệt; rà soát tính khả thi và hoàn tất thủ tục theo quy định, cân đối nguồn vốn để lập và trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 53 dự án mở mới. Rà soát xác định những khó khăn, vướng mắc và tính khả thi của 74 dự án được phép kéo dài thời gian bố trí vốn để xây dựng kế hoạch, lộ trình hoàn thành dứt điểm các dự án này và trình kỳ họp chuyên đề của HĐND trong quý II/2023.
Triển khai hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu và khởi công đúng tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như cầu Phước An, đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (đường 994), cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu... Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối với đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, các dự án hạ tầng trọng điểm của huyện Côn Đảo, Nhà máy xử lý rác Tóc Tiên và các dự án trọng điểm khác của tỉnh.
|
Họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội
Ngay sau khi bế mạc kỳ họp, trưa 10/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp HĐND, UBND tỉnh tổ chức họp báo Thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng của tỉnh năm 2022. Đồng thời ghi nhận và giải đáp các vấn đề của các phóng viên đưa ra như: Tháo điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, giải pháp tăng thu ngân sách, giải quyết những khó khăn trong xã hội hóa và tuyển dụng nhân lực giáo dục và y tế, 2 chuyên đề giám sát trong năm 2023 của HĐND tỉnh.
|
Đưa ra đối sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, năm 2023 là năm trọng tâm thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Năm 2023 tuy có những thuận lợi từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và nỗ lực của địa phương nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó khăn, thách thức. Đó là tình hình sản xuất kinh doanh, doanh thu của DN, thu nhập của người dân trong tỉnh còn thấp mà việc này kéo dài từ năm 2021 có cải thiện trong năm 2022 nhưng vẫn ở mức thấp, có thể tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2023. Giá cả nguyên vật liệu, lãi suất ngân hàng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét vào chi phí sản xuất; thị trường bất động sản dễ tổn thương, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại so với năm 2022.
Tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe cộng đồng; dịch COVID-19 với những biến thể mới có thể nguy hiểm hơn và tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết kỳ họp. |
“Tình hình càng khó khăn, thách thức thì chúng ta càng phải phát huy sự đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến nhân dân, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, suy nghĩ kỹ lưỡng, đưa ra đối sách, giải pháp phù hợp, chắc chắn, hiệu quả; công tác chỉ đạo, điều hành cần bản lĩnh hơn, hiệu quả hơn và phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các ngành, địa phương để xử lý kịp thời các vấn đề đặt ra; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm cá nhân.
Đẩy mạnh hơn nữa chương trình chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.
PHÚC LƯU - KHÁNH CHI