Chiều 24/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước luôn xác định “dân là gốc”; người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển. Mọi chính sách, pháp luật đều hướng tới người dân; cùng với đó khuyến khích, tạo điều kiện để người dân cũng tham gia, trong đó công tác truyền thông.
Thủ tướng chỉ rõ, làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu, tự giác tham gia xây dựng chính sách, thực hiện chính sách, được thụ hưởng các chính sách và phản hồi để phát huy hoặc hoàn thiện chính sách...
Hội nghị nhằm rà soát lại những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của công tác truyền thông chính sách; trong cả nội dung, hình thức, biện pháp, tổ chức bộ máy, nguồn lực, kiểm tra, giám sát... trong công tác truyền thông chính sách. Qua đó góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Báo cáo đề dẫn của Bộ TT-TT tại hội nghị cho biết, truyền thông chính sách là tất cả các hoạt động của chính quyền, các tổ chức và cá nhân nhằm chuyển tải, chia sẻ thông tin, chủ yếu nhằm mục đích tạo ra văn hóa công khai thông tin, đồng thời trình bày và giải thích các quyết định và hành động của cơ quan nhà nước.
Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách được chú trọng và đổi mới, từ “truyền thông nội bộ” tới truyền thông đại chúng. Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhằm quán triệt hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết Trung ương tới các Đảng viên, cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, nhiều sáng kiến và cách làm mới đã được Trung ương triển khai trong toàn hệ thống chính trị từ sau Đại hội.
Các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tổ chức cơ sở Đảng trên toàn quốc. Về bản chất, đây cũng chính là đổi mới trong hoạt động “truyền thông” về các chủ trương chính sách quan trọng của Trung ương tới cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống, để từ đó quán triệt, thống nhất ý chí và hành động.
Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng được Quốc hội khóa XV đặc biệt chú trọng, với nhiều đổi mới rõ rệt: Mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện nay đều có Đề án truyền thông chi tiết trước, trong và sau kỳ họp, với các mục tiêu, nhiệm vụ và thông điệp cụ thể.
Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành, được thể hiện thông qua các thành tựu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế. Công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời là những thông điệp rõ ràng qua những nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ...
Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Bộ TT-TT cũng thông tin và truyền thông kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh, Campuchia... về công tác truyền thông chính sách; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức về công tác truyền thông chính sách; bố trí nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách...
PHẠM TIẾP