Tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Tư, chiều 1/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ |
SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ LÀ CẦN THIẾT
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, việc chuyển đổi, cơ cấu lại hợp tác đã đạt được những kết quả nhất định. Tính đến tháng 12/2021, cả nước có khoảng 27.342 hợp tác xã, thu hút gần 6 triệu thành viên, tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động; giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm có 2.380 hợp tác xã hình thành. Năm 2019, tổng doanh thu thuần của toàn bộ các hợp tác xã đang hoạt động đạt 99.928 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2018. Bình quân giai đoạn 2016-2019, mỗi năm hợp tác xã tạo ra 85.952 tỷ đồng doanh thu thuần. Những kết quả đã được đã góp phần vào quá trình phát triển sản xuất, đóng góp tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong tổ chức, hoạt động của hợp tác xã như: Các hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tốc độ tăng trưởng kinh tế của hợp tác xã còn thấp so với các khu vực kinh tế khác. Đóng góp vào GDP năm 2020 chỉ đạt 3,62%, trong khi năm 2001 tỷ lệ này là 8,06%; số thành viên hợp tác xã bình quân giai đoạn 2016-2019 giảm 21,1% so với giai đoạn 2013-2015. Năm 2021 giảm gần 1,87 triệu thành viên so với năm 2013; quy mô về vốn, tài sản hợp tác xã thấp, tích lũy lại chậm; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý điều hành hợp tác còn nhiều hạn chế; sự tham gia của các hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng vào chuỗi giá trị còn hạn chế.
“Việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết và phù hợp yêu cầu thực tiễn và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
KHUYẾN KHÍCH THÀNH VIÊN PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ
Cần tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển, tạo sự linh hoạt trong tổ chức và quản lý hoạt động. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: THANH NGA |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, đến thời điểm hiện nay pháp luật về hợp tác xã của Việt Nam cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên việc triển khai vào thực tế gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa khuyến khích thành viên tham gia và phát triển hợp tác xã, tình trạng hỗ trợ đầu tư các hợp tác xã tràn lan, không trọng điểm, làm giảm hiệu ứng các chính sách hỗ trợ, làm gia tăng tư tưởng trông chờ hỗ trợ của hợp tác xã. Định nghĩa hợp tác xã, liên minh hợp tác xã chưa rõ về bản chất; các hợp tác xã khó xâm nhập vào thị trường tín dụng. Thủ tục đăng ký hợp tác xã phức tạp, rườm rà hơn thủ tục thành lập doanh nghiệp…
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo thể chế hóa các quy định pháp luật vào dự thảo Luật hợp tác xã cần: Nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã vẫn tiếp tục phát triển, phát huy những giá trị cốt lõi, chuyển từ tự phát sang tự giác; tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển, tạo sự linh hoạt trong tổ chức và quản lý hoạt động. Đồng thời, sửa đổi các quy định của Luật hợp tác xã hiện hành theo hướng, quy định rõ thành viên hợp tác xã có thể là người góp vốn, đồng thời là người lao động hoặc người thụ hưởng sản phẩm, dịch vụ do hợp tác xã mang lại hoặc cả hai.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị xem xét nới lỏng quy định về tỷ lệ góp vốn tối đa cho mỗi thành viên (hiện đang quy định ở mức 20%), quy định mức góp tối thiểu, minh chứng xác nhận góp vốn, tránh tình trạng góp vốn hình thức và thực tế không góp; không quy định mức độ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã cho thành viên như điều kiện bắt buộc; bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể đi đầu trong chuyển đổi số.
ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CÁC BIỆN PHÁP ÁP DỤNG TRONG PHÒNG THỦ DÂN SỰ CẤP ĐỘ 4
Từ các yêu cầu thực tiễn, cấp thiết về phòng thủ dân sự, trong khi chúng ta chưa có luật, pháp lệnh quy định vấn đề này mà hiện điều chỉnh bằng Nghị định (Nghị định 02 ngày 02/01/2019 của Chính phủ). Do đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết số 22-NQ/TW Đảng, đại biểu Nguyễn Thị Yến thống nhất cao việc Quốc hội xem xét ban hành Luật Phòng thủ dân sự.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh của luật này đến đâu trong mối liên hệ với các luật khác để đảm bảo nguyên tắc, không chồng chéo. Mặc khác, tại Điều 1 dự thảo luật quy định: “Luật này quy định về hoạt động phòng thủ dân sự…”. Tuy nhiên, trong thực tiễn “tổ chức” rất quan trọng, Nên đề nghị Ban soạn thảo kế thừa và luật hóa quy định tại Điều 1 Nghị định 02 ngày 02/01/2019 của Chính phủ, điểu chỉnh phạm vi: “tổ chức” đi cùng với “hoạt động” phòng thủ dân sự.
Về cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 21), Khoản 2 của Điều luật này quy định phòng thủ dân sự chia làm 4 cấp độ (1,2,3,4). Tuy nhiên, đối chiếu với 1 số luật chuyên ngành đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận thấy cách phân chia chưa thống nhất như: Luật phòng chống thiên tai quy định 5 cấp độ; Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm phân thành 2 cấp độ theo mức các nhóm dịch bệnh là Nhóm A; Nhóm B và C. Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh vấn đề này cho phù hợp kết hợp cân nhắc nghiên cứu việc phân chia cấp độ theo lãnh thổ, theo tôi nên tiếp cận nghiên cứu phân cấp độ theo mức độ nguy hại của thảm họa, sự cố để có giải pháp phù hợp.
Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ản: CHÂU VŨ |
Về các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 4 được quy định tại Điều 28 có 4 biện pháp chính, theo Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân thì 4 biện pháp này đúng như chưa đủ. Vì theo Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiều biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa. Cụ thể, Điều 6 của Pháp lệnh có 11 biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn; Điều 7 có 10 biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm; Điều 8 có 15 biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia. Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 4 để bảo đảm đầy đủ, toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ản: CHÂU VŨ |
Quan tâm đến chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình lưỡng dụng, Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho rằng trong thời bình các công trình này được sử dụng để phát triển kinh tế-xã hội, khi chiến tranh xảy ra các công trình nổi, công trình ngầm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, phòng chủ dân sự. Trong các năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang xây dựng các công trình phòng thủ bảo đảm lưỡng dụng. Tuy nhiên số lượng các công trình này chưa nhiều. Nhà nước chưa có hỗ trợ, đầu tư. Do đó, tại điểm d, Khoản 3, Điều 12 của dự thảo Luật, đề nghị viết lại như sau: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ để nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các công trình nổi, công trình ngầm bảo đảm tính lưỡng dụng”.
QUY ĐỊNH RÕ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM NHIỆM VỤ TRỰC THƯỜNG XUYÊN
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự hiện đang quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật dân quân tự vệ, Luật Công an nhân dân… Do đó, Ban soạn thảo cần rà soát và thiết chế vào dự thảo Luật đảm bảo tính phù hợp.
Chiến sĩ mới năm 2022 tham gia huấn luyện bắn súng tiểu liên AK tại Trung đoàn Minh Đạm - Bộ CHQS tỉnh. Ảnh: MINH NHÂN |
“Đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ chế độ, chính sách đối với người làm nhiệm vụ trực thường xuyên tại khoản 1, Điều 45 là được hưởng khi thực hiện nhiệm vụ trực thường xuyên tại các cơ quan chỉ đạo phòng thủ dân sự các cấp và các cơ quan tổ chức được hưởng chế độ khi thực hiện nhiệm vụ hay cơ quan tổ chức, công dân tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù, bị tổn hại danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục (Khoản 1, Điều 46)”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế trong phòng thủ dân sự (Điều 40), đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nghĩa vụ của tổ chức kinh tế tại khoản 2 Điều 40 về nội dung: Chủ động khắc phục và bồi thường, chi trả chi phí nếu để xảy ra thảm họa, sự cố trong quá trình hoạt động sản xuất. Đồng thời, cần cân nhắc nghiên cứu tình huống nếu các tổ chức kinh tế này cố tình che giấu thảm họa, sự cố khi chính các tổ chức kinh tế gây ra thì xử lý thế nào. Việc bổ sung này nhằm nâng cao trách nhiệm của của các tổ chức kinh tế, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
CHÂU VŨ – PHÚC LƯU