Phát triển Đông Nam Bộ nhanh, hài hòa, bền vững, bao trùm

Chủ Nhật, 27/11/2022, 20:33 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng, diễn ra sáng 26/11 tại TP. Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo một số bộ, ngành, các địa phương vùng Đông Nam Bộ, đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, đối tác phát triển, DN trong và ngoài nước.

Về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội nghị.

Gỡ “nút thắt” để Đông Nam Bộ phát triển

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ các phương thức vận tải. Tuy nhiên thực trạng cho thấy nhu cầu vận tải vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông. 

“Nhiều quốc lộ chính yếu đã mãn tải, trong khi cao tốc liên vùng, những con đường hướng tâm, vành đai triển khai rất chậm. Đến nay mới chỉ đưa vào khai thác 95/911km cao tốc theo quy hoạch”, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng dẫn chứng và nhìn nhận đây là “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển, năng lực cạnh tranh của vùng.

Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Và thời gian qua, Vùng có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước. Do đó, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu phát triển vùng năng động nhất này để đóng góp nhiều nhất cho đất nước trên các lĩnh vực, trong đó có GDP, “cả nước vì vùng, vùng vì cả nước”. Yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm túc 5 quan điểm phát triển Vùng theo Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Xây dựng Đông Nam Bộ luôn là vùng năng động, phát triển nhanh, hài hòa, bền vững, bao trùm; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính)

Và để gỡ những “nút thắt” giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.  Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ khoảng 413.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng là 772km trong giai đoạn 2021-2030.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề xuất hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn Trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương). “Bộ GT-VT và các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu phát triển mạng lưới đường sắt kết nối Vùng theo mô hình T.O.D. (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng)”, ông Phan Văn Mãi nêu ý kiến.

Khẳng định phát triển đô thị là động lực phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tăng về số lượng đô thị. Đến năm 2025 dự kiến sẽ thêm 10 đô thị, đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng đô thị Vùng Đông Nam Bộ theo Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 06-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất cần hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị của các đô thị loại III trở lên trong giai đoạn đến năm 2025; và cơ bản giảm thiểu tình trạng ngập úng và ùn tắc giao thông; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị; cải tạo chỉnh trang các khu dân cư ven kênh rạch gắn với tái định cư. Bên cạnh đó, cần hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn, tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị giai đoạn đến năm 2030. Tăng cường năng lực quản lý đô thị, tăng cường mô hình quản lý đô thị hợp lý, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị.

Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.

Tư duy mới - Đột phá mới

Tham luận tại Hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ, khu vực Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh của khu vực này đang có xu hướng ngày càng suy yếu. Đây là thách thức về điều phối trong khu vực và Việt Nam cần tăng cường điều phối hoạt động của vùng này. 

“Về dài hạn, Chính phủ cần có thêm các cơ chế hợp tác vùng có vai trò thực tiễn hơn và có chức năng rộng hơn, không phải chỉ một vấn đề điều phối, lập kế hoạch mà còn thực thi các dự án, hoạt động. Chúng ta cũng cần có tầm nhìn xây dựng các kế hoạch ưu tiên trong trung hạn, ưu tiên về dự án đã được xác định trong quy hoạch chung. Ngoài ra, cần xem xét lựa chọn về đầu tư vùng và cơ chế tài chính dựa trên khuôn khổ pháp lý và ưu tiên chính sách của Chính phủ”, bà Carolyn Turk khuyến nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tựu trung trong 9 chữ “tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới”. Theo Thủ tướng, “tư duy mới” là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. “Tư duy mới là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tư duy mới là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Làm rõ nội hàm về “đột phá mới”, Thủ tướng cho rằng, đó là cách thức, phương thức huy động các nguồn lực. Là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi thì phải huy động nguồn lực bằng nhiều phương thức, cách làm khác nhau. Do đó, phải có cơ chế chính sách đột phá, đây cũng chính là nguồn lực. “Trong quá trình triển khai, các địa phương, doanh nghiệp vướng gì, cần đề xuất rõ, luật nào, nghị định nào bị vướng, từ đó, phân cấp để xử lý”, Thủ tướng nêu rõ.

Bồn bể chuyên dụng của dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.
Bồn bể chuyên dụng của dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.

Phân tích nội hàm “giá trị mới”, Thủ tướng cho biết, vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng đã giảm so với các vùng khác. Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn. Thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người phải cao hơn, ngang tầm khu vực, các nước phát triển. Hạ tầng kết nối vùng, cả nước, khu vực cũng như quốc tế phải tốt nhất. Phải khắc phục bằng được những vấn đề tồn tại mà người dân bức xúc như vấn về biến đổi khí hậu, môi trường.

“Giá trị mới lớn nhất của vùng là góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nêu rõ.

THẢO PHƯƠNG - TRÀ NGÂN

;
.