Ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết
TIN LIÊN QUAN:
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Tư, ngày 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ |
Tạo điều kiện để các HTX phát triển
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Hợp tác xã (HTX) là cần thiết và phù hợp yêu cầu thực tiễn và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, hiện pháp luật về HTX của Việt Nam cơ bản đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai vào thực tế gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa khuyến khích thành viên tham gia và phát triển. Tình trạng hỗ trợ đầu tư các HTX còn tràn lan, không trọng điểm, làm giảm hiệu ứng các chính sách hỗ trợ, gia tăng tư tưởng trông chờ hỗ trợ. Định nghĩa HTX, liên minh HTX chưa rõ về bản chất; các HTX khó xâm nhập vào thị trường tín dụng. Thủ tục đăng ký HTX phức tạp, rườm rà hơn thủ tục thành lập doanh nghiệp…
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo thể chế hóa các quy định pháp luật vào dự thảo Luật HTX cần: Nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX vẫn tiếp tục phát triển, phát huy những giá trị cốt lõi, chuyển từ tự phát sang tự giác; Tạo điều kiện để các HTX phát triển, tạo sự linh hoạt trong tổ chức và quản lý hoạt động. Đồng thời sửa đổi các quy định của Luật HTX hiện hành theo hướng, quy định rõ thành viên HTX có thể là người góp vốn, đồng thời là người lao động hoặc người thụ hưởng sản phẩm, dịch vụ do HTX mang lại hoặc cả hai.
Cần thống nhất trong phân chia cấp độ phòng thủ
Thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu đều cho rằng việc Quốc hội ban hành Luật này là cần thiết.
Về cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 21), Khoản 2 của dự thảo Luật này quy định, phòng thủ dân sự chia làm 4 cấp độ (1,2,3,4). Tuy nhiên, đối chiếu với một số luật chuyên ngành, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận thấy cách phân chia chưa thống nhất như: Luật phòng, chống thiên tai quy định 5 cấp độ; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm phân thành 2 cấp độ theo mức các nhóm dịch bệnh: A, B và C. Do đó cần nghiên cứu điều chỉnh vấn đề này cho phù hợp, kết hợp cân nhắc nghiên cứu việc phân chia cấp độ theo lãnh thổ. Trong đó nên tiếp cận nghiên cứu phân cấp độ theo mức độ nguy hại của thảm họa, sự cố để có giải pháp phù hợp.
Về các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 4 được quy định tại Điều 28 có 4 biện pháp chính, theo Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, 4 biện pháp này đúng nhưng chưa đủ. Vì theo Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiều biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa. Cụ thể Điều 6 của Pháp lệnh có 11 biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn; Điều 7 có 10 biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm; Điều 8 có 15 biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 4 để bảo đảm đầy đủ, toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quan tâm đến chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình lưỡng dụng, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, trong thời bình các công trình này được sử dụng để phát triển kinh tế-xã hội, khi chiến tranh xảy ra các công trình nổi, công trình ngầm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, phòng chủ dân sự. Trong các năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang xây dựng các công trình phòng thủ bảo đảm lưỡng dụng. Tuy nhiên số lượng các công trình này chưa nhiều. Nhà nước chưa có hỗ trợ, đầu tư. Do đó, tại Điểm d, Khoản 3, Điều 12 của dự thảo Luật, đề nghị viết lại như sau: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ để nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các công trình nổi, công trình ngầm bảo đảm tính lưỡng dụng”.
Chú trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền
Phát biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, rửa tiền là một vấn nạn toàn cầu, không chỉ đe dọa an ninh của quốc gia mà còn phá hủy sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính cũng như cản trở sự thịnh vượng của nền kinh tế. Do đó, hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền là vấn đề quan trọng cần được quan tâm.
“Tôi đồng thuận quan điểm cần hệ thống hóa các quy định về hoạt động này đang nằm rải rác tại các chương của dự thảo Luật thành 1 chương riêng về “Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền” như Luật hiện hành sẽ phù hợp yêu cầu thực tiễn hơn”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, công nghệ hiện đại không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn là cơ hội để các đối tượng thực hiện các hành vi gian lận tinh vi và phức tạp hơn, bao gồm các hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số, công cụ chuyển nhượng như: Token, điện thoại, máy tính có kết nối mạng. Trong khi đó, Luật chưa có những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo.
Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền được thực hiện dưới dạng các phương thức này. Cụ thể, cần đưa hoạt động “cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo” vào Điều 4 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định về hoạt động mà các tổ chức tài chính có thể thực hiện cùng các khái niệm về những hoạt động trên. Mục đích của việc bổ sung này buộc các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc cung ứng hạ tầng thanh toán cho các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, thanh toán qua mạng phải báo cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
PHÚC LƯU - CHÂU VŨ