Tiếp tục nỗ lực giữ đà phát triển kinh tế

Thứ Bảy, 22/10/2022, 16:01 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023… Tổ 8 có 27 đại biểu của 4 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng, Cao Bằng và Lâm Đồng

Hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.

Chủ trì Tổ thảo luận số 8, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2022, nước ta hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt khoảng 8%, trong khi kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD. An ninh lương thực được bảo đảm. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt trên 163.000 DN, tăng 38,6% so cùng kỳ. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, ngân sách đều đạt. Tuy vậy, kết quả chỉ số giá sản xuất (Chỉ số PPI) sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,21%; Chỉ số PPI sản phẩm công nghiệp tăng 4,71%; Chỉ số PPI dịch vụ tăng 3,34%; Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 8,31%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 10,86%, trong đó giá nhập khẩu xăng dầu, sắt, thép tăng từ 30% đến trên 40%. Tỷ giá thương mại hàng hóa giảm 2,3%. 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.

Điều này cho thấy giá hàng hoá và dịch vụ của tất cả các ngành trong nền kinh tế đã tăng, sẽ lan truyền sang giá tiêu dùng, tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới, làm giảm hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế của nước ta; gây nhiều khó khăn cho các ngành và lĩnh vực; làm suy giảm tổng cầu, gây bất ổn vĩ mô và giảm tiến độ và hiệu quả của Chương trình Phục hồi và Phát triển KT-XH.

"Do đó, tôi kính đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, tăng cường theo dõi sát diễn biến, tình hình thế giới, những vấn đề mới nổi, lạm phát và việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, giá xăng dầu, khí đốt, vật tư chiến lược; chủ động dự báo, xây dựng kịch bản để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế”, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến phân tích, để bảo đảm kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 8%, cao hơn khoảng 1,5-2% mục tiêu Quốc hội giao, thì Quý IV/2022 cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%. Để đạt được mục tiêu này thì Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát diễn biến, tình hình thế giới, những vấn đề mới nổi, lạm phát và việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, giá xăng dầu, khí đốt, vật tư chiến lược để điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn để có những chính sách thống nhất, kịp thời, đáp ứng với điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ cần đặt trọng tâm vào kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp; đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường để có giải pháp sản xuất, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bên cạnh đó, về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến tăng trưởng kinh tế là 6,5% và CPI (lạm phát) tăng 4,5% trong khi các chỉ tiêu này năm 2022 lần lượt là 8% và 4%.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị Chính phủ quan tâm, phân tích làm rõ về việc hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng tăng chỉ số CPI. Từ đó để có những giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm cân đối lớn nền kinh tế đất nước.

Đề nghị tăng lương cơ sở sớm hơn nửa năm

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 như dự kiến. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 như dự kiến. Ảnh: CHÂU VŨ.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 như dự kiến. “Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm lương, điều chỉnh lương ngay từ ngày 1/1/2023 theo nguyện vọng người hưởng lương”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; có động thái quyết liệt hơn đối với các bộ, ngành và địa phương để ngay trong 2 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 phải khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ TT-TT chỉ đạo các địa phương phải có giải pháp kịp thời phát hiện ngăn chặn triệt để để chấm dứt tình trạng vay nặng lãi qua App để góp phần ổn định kinh tế - xã hội. 

Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.
Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.

Theo Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 9 tháng qua, dịch bệnh được kiểm soát trên cả nước; nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi đối với DN, người dân bị ảnh hưởng được thực hiện và phát huy có hiệu quả. 

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng các tỷ lệ giải ngân các chương trình phục hồi kinh tế xã hội; giải ngân đầu tư công, trong báo cáo của Chính phủ còn thấp, nhất là tỷ lệ giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 3,86%.

Vì vậy đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt hơn nữa về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là giải ngân của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng mục tiêu nông thôn mới cũng như hỗ trợ người dân, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số… Đồng thời có giải pháp mạnh quản lý chống độc quyền động cơ tăng giá các mặt hàng; cân đối cung cầu, bình ổn giá xăng dầu và vật tư nông nghiệp…

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.

Quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, ý kiến của nhiều cử tri trong đó có cử tri ngành giáo dục và các phụ huynh học sinh rất quan tâm về những bất cập của chương trình giáo dục cũng như sách giáo khoa.

“Qua các kênh truyền thông thì chúng ta cũng thấy rằng Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch và lộ trình để khắc phục những vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay chương trình giáo dục mới vẫn còn lộ diện nhiều bất cập khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vào đào tạo; Nghị quyết 88 về đổi mới sách giáo khoa… Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần quan tâm và có sự đánh giá bước đầu sau khi thực hiện đổi mới để có sự chấn chỉnh kịp thời đối với chương trình", đại biểu Phúc đề nghị.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế. Ảnh: CHÂU VŨ.

Liên quan đến chế độ phụ cấp cho cán bộ, nhân viên y tế, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011 ngày 04/11/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ – CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ “Áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở” để tạo điều kiện cho nhân viên y tế tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời cho phép các tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế từ nguồn ngân sách địa phương nhằm giữ chân đội ngũ nhân viên y tế, duy trì nguồn nhân lực y tế.

CHÂU VŨ – AN NHIÊN 

;
.