.

Bảo đảm tính khả thi của các quy định phòng, chống bạo lực gia đình

Cập nhật: 19:59, 26/10/2022 (GMT+7)

Phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 26/10 về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng vẫn còn một số quy định cần được cân nhắc, xem xét chỉnh sửa, bổ sung để đảm bảo tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) qua những lần tham gia góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và theo dõi kết quả thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa đến nay dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu tiếp tục thể chế công tác phòng chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Ảnh: CHÂU VŨ

Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định cần được cân nhắc, xem xét chỉnh sửa, bổ sung để đảm bảo tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:

Để bảo đảm tính bao quát nhưng chặt chẽ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị  bổ sung nội dung “xâm hại các quyền đã được pháp luật công nhận’’ vào khoản 1 Điều 2 dự thảo luật và chỉnh sửa thành  “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế hoặc xâm hại các quyền đã được pháp luật công nhận đối với thành viên khác trong gia đình’’.

Tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo quy định “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; …’’.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì thuật ngữ gia đình được giải thích là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này’’.

Điều này cho thấy trong cùng một thuật ngữ nhưng chưa có sự thống nhất và cũng không phù hợp thực tế bởi những người đã ly hôn, không còn quan hệ hôn nhân thì việc áp dụng điều khoản nêu trên khó khả thi – nội dung này ở kỳ họp trước đã có đại biểu góp ý và được cơ quan soạn thảo giải trình và tiếp thu theo hướng  giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Vì theo quan điểm của cơ quan soạn thảo tại báo cáo số 346 có nêu “…trong thực tế xảy ra nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng cần áp dụng quy định của Luật này’’ Nhưng Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt hành chính trong các lĩnh vực như An ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội… phòng chống bạo lực gia đình đã quy định rất cụ thể mức xử tương ứng với các hành vi: Xâm hại sức khỏe, tại Điều 52; Xúc phạm danh dự nhân phẩm tại Điều 54; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp luwck thường cuyên tại Điều 55; Ngăn cản việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tại Điều 56.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các Luật có liên quan và tính khả thi trong việc áp dụng Luật. đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Quốc hội xem xét việc bỏ nội dung “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn” trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp chiều 26/10.
Quang cảnh phiên họp chiều 26/10.

NGĂN CHẶN KỊP THỜI NHỮNG HÀNH VI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ với Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng như có cơ sở để tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống bạo lực gia đình thực hiện hoạt động ngăn chặn kịp thời những hành vi cố ý gây thương tích làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung nội dung này cùng với nội dung buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình như dự thảo đã quy định và chỉnh sửa khoản 2, Điều 23 theo hướng: “Người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình theo khả năng của mình và tính chất của hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình hoặc thực hiện biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình”.

Đối với quy định mới bổ sung về "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" được áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình tại Điều 33 dự thảo Luật. Đây là biện pháp có tính giáo dục và răn đe khi người có hành vi bạo lực gia đình mà chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bởi tại khoản 1 điều này đã xác định: “Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống”.

Nhưng để không phát sinh các vấn đề khác vượt khỏi phạm vi mang tính giáo dục, răn đe, cần cân nhắc bổ sung vào khoản 2 Điều 33 định hướng thời gian, cách thức thực hiện công việc quy định tại khoản 1 Điều này.

Và để nghị xem xét bỏ từ "tự nguyện" trong nội dung thực hiện công việc phục vụ cộng đồng vì tự nguyện là tự mình muốn làm, thích làm thì làm, sẽ tạo nên mâu thuẩn với nội hàm của quy định về biện pháp có tính giáo dục, răn đe và được xác định là không trái quy định pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nên xem xét việc chỉnh sửa nội dung trên theo hướng "Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định, giao cho đại diện cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống, tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU

 

.
.
.