.

Thí điểm đấu giá biển số xe ô tô là cần thiết

Cập nhật: 19:33, 26/10/2022 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 26/10 Quốc hội thảo luận về dự thảo: Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; dự án Luật Phòng thủ dân sự và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị quy định rõ thế nào là biển số xe đẹp và ban hành danh mục biển số đẹp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị quy định rõ thế nào là biển số xe đẹp và ban hành danh mục biển số đẹp. Ảnh: CHÂU VŨ

Đề nghị thống nhất giá khởi điểm 40 triệu đồng/biển số xe ô tô

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá gồm 7 điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá; điều khoản thi hành.

Theo đó, tại dự thảo trình Quốc hội quy định, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (Bộ Công an sẽ đưa tất cả biển số chưa đăng ký, chuẩn bị cấp trong quý tới hoặc trong tháng tới tùy từng địa phương ra để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá). 

Việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước đang nhận được sự quan tâm của cử tri, nhân dân cả nước và được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị để phù hợp và thống nhất với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì phải sử dụng thuật ngữ “xe ô tô”. Như vậy tên dự thảo là Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Đồng thời, thống nhất phạm vi thực hiện là trên phạm vi toàn quốc; thời gian thí điểm phải là 3 năm. Việc thí điểm thống nhất áp dụng cho biển số xe ô tô có nền màu trắng, chữ và số màu đen.

Về giá khởi điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị thống nhất chọn 1 giá khởi điểm là 40 triệu đồng/biển số xe ô tô (Chính phủ đưa ra 2 loại giá là 20 triệu đồng và 40 triệu đồng/biển số xe ô tô tùy theo địa phương). Đồng thời thống nhất nội dung: Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm; đấu giá trực tuyến, trả giá lên nhưng trình tự, thủ tục đấu giá phải theo các quy định pháp luật về đấu giá.

Băn khoăn về quản lý

Bên cạnh việc nhận định thí điểm đấu giá biển số xe ô tô để mang lại nguồn thu cho ngân sách là cần thiết. Các đại biểu nêu lên về một số vấn đề chưa thực sự phù hợp, rõ ràng, có thể gây vướng khi triển khai này. Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng băn khoăn vì trong dự thảo nghị quyết không quy định rõ “thế nào là biển số xe đẹp” và không có danh mục “biển số xe đẹp”. Do đó cần quy định rõ “biển số xe đẹp”, “thành lập hội đồng quyết định và đưa ra danh mục biển số xe đẹp” để người có nhu cầu lựa chọn biển số và tham gia đấu giá.

Khi người dân đấu giá thành công biển số xe đẹp thì đó là tài sản cá nhân, có quyền sở hữu và định đoạt. Nhưng nếu không quy định cụ thể biển số đó được gắn cho bao nhiêu chiếc xe. Vì nếu trong 3 năm đổi 10 chiếc xe, nghĩa là gắn biển số đó lên 10 chiếc xe thì rất khó cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, sau thời gian 3 năm thí điểm phải tổng kết và quyết định có thí điểm nữa hay không. Do vậy cũng cần quy định rõ tài sản cá nhân là biển số xe ở thời điểm đó sử dụng như thế nào.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự thảo nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Nhưng hiện tại chúng ta đang thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương. Đồng thời có những trường hợp khi chủ xe và xe chuyển sang địa bàn khác phải đăng ký lại.

“Dự thảo đấu giá biển số theo kiểu đồng loạt cả nước. Nếu một người ở Cà Mau lên đấu giá và gắn biển số Hà Nội nhưng lại chạy xe ở Cà Mau rõ ràng sẽ tạo rất nhiều phức tạp trong quản lý. Chúng tôi chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ quản lý và phải thay đổi thế nào để phù hợp”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn vì mục tiêu của biển số xe để quản lý phương tiện mà giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng được, có thể chuyển từ xe nọ sang xe kia. Việc này sẽ rất phức tạp trong quản lý. Từ đó đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị, biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế xe đó. Khi nào hết vòng đời xe thì biển số được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.

PHÚC LƯU – CHÂU VŨ

.
.
.